Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 13:11
Chủ nhật, 01/10/2023 19:10
TMO - Giai đoạn 2021-2023 (đến tháng 6/2023) Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được khoảng 1,752 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai từ năm 2010 với mục tiêu xây dựng NTM xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới;
19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương nông thôn mới); có 1.145/3.513 thôn, bản, ấp (33%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
(Ảnh minh họa)
Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 2 tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 (về giáo dục và đào tạo và về văn hóa), 8 tiêu chí được đánh giá là gần đạt được mục tiêu.
Về nguồn kinh phí thực hiện chương trình, năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực khác nhau. Trong năm 2022, theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến tháng 12/2022, cả nước huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 24% so với năm 2021).
Năm 2023, theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình.
Như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 (tính đến tháng 6/2023) khoảng 1,752 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.
Về giải ngân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc giải ngân cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chậm được ban hành, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu cả nước có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp địa phương quy định.
LÝ LAN
Bình luận