Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 08:04
Thứ sáu, 04/04/2025 09:04
TMO - Tối 03/04/2025, tại Trung tâm hội nghị TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (03, 04/04/1965 - 03, 04/04/2025).
Đây là dịp để Nhân dân tỉnh Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường của thế hệ cha anh đi trước, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, quê hương Thanh Hóa nói riêng.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (03, 04/04/1965 - 03, 04/04/2025).
Tọa độ lửa 60 năm trước
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nằm trên tuyến Quốc lộ 1, cầu Hàm Rồng được coi là một trọng điểm giao thông đặc biệt quan trọng cần phải bảo vệ để bảo đảm cho tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam luôn được thông suốt. Đế quốc Mỹ đã nhận rõ vị trí trọng yếu của cây cầu này, nên luôn coi Hàm Rồng là một mục tiêu “ưu tiên” của không quân Mỹ.
Cầu Hàm Rồng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh tư liệu).
Cầu Hàm Rồng được Thực dân Pháp xây dựng lần đầu tiên vào năm 1901 do 2 kỹ sư người Đức thiết kế và thi công nhưng không thành. Đến năm 1904 thực dân Pháp cho làm Cầu Vòm, khánh thành và cho thông xe vào ngày 17/3/1905. Với mục đích, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét nguồn tài nguyên giàu có của Việt Nam về làm giàu cho chính quốc.
Mùa Xuân năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, cầu Hàm Rồng bị phá hủy bằng bộc phá cùng với nhiều công trình khác.
Năm 1962, cầu Hàm Rồng được xây dựng lại ở vị trí cũ nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô. Cầu mới rộng tới 17m, dài 160m, ở giữa là đường sắt, đường ô tô, hai bên là đường dành cho người đi bộ. Cầu được khánh thành đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 74 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1964), nên cây cầu còn có tên gọi khác là Cầu 19/5.
Hai chữ “Quyết thắng” trên ngọn núi Cánh Tiên vẫn sừng sững, hiên ngang chứng kiến bao đổi thay của vùng đất Hàm Rồng.
Xác định Thanh Hoá là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và cầu Hàm Rồng là “điểm tắc lý tưởng” trên tuyến vận tải từ Bắc vào Nam. Phá sập cầu Hàm Rồng sẽ cắt đứt mạch máu giao thông Bắc - Nam, đồng thời phá hoại nền kinh tế, làm suy yếu vai trò của hậu phương lớn Thanh Hóa. Với ý đồ đó, Tổng thống Giôn-Xơn và chính quyền Mỹ đã cho chuẩn bị phương án đánh phá tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực Hàm Rồng bằng các lực lượng hỗn hợp của không quân và hải quân.
Tối 02/4/1965, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thông báo: Địch sẽ đánh lớn vào Hàm Rồng trong ngày 03/4; đồng thời nhắc nhở “Phải đánh chắc, đánh trúng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, bảo vệ mục tiêu, tiết kiệm đạn dược…”. Tất cả các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ở khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn và các khu vực trọng điểm khác luôn bình tĩnh, tự tin, củng cố công sự, trận địa vững chắc, hợp luyện thuần thục các phương án tác chiến, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, trang bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu.
Đúng 8 giờ 45 phút ngày 03/04/1965, Mỹ cho hàng loạt máy bay bất thần lao và cắt bom, bắt đầu từ Đò Lèn, Tĩnh Gia, Nông Cống và tiến vào khu vực trọng điểm Hàm Rồng.
Những cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử trong cuộc kháng chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Ngày đầu tiên chúng sử dụng 102 lần tốp máy bay tiêm kích đánh phá dữ dội trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Không dừng lại, sang ngày 04/04, địch tiếp tục dùng một lực lượng lớn máy bay bắn phá với tốc độ và cường độ lớn, cứ 10 phút tổ chức một đợt công kích. Từng tốp máy bay từ nhiều phía lao tới như những con thiêu thân, tốp nọ thay thế tốp kia. Bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay, mặt đất rung chuyển với những tiếng nổ xé trời của bom đạn.
Trong bối cảnh đó, mặc cho địch đánh phá dữ dội, uy hiếp từ mọi phía, bom đạn bỏ xuống dày đặc; mặc cho lực lượng của địch với vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại tối tân, quân dân Thanh Hóa trên khắp các trận địa, các vị trí chiến đấu vẫn bám trụ kiên cường, với cách đánh thông minh, táo bạo, bất ngờ, quyết đánh và quyết thắng bảo vệ quê hương. Những cái tên “thần sấm”, “con ma”, “giặc nhà trời”, “kẻ đột nhập” đến “pháo đài bay”, đều bị quân dân Thanh Hóa bắn tan xác.
Trong 02 ngày 03 và 04/04/1965, quân dân Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 31 chiếc. Đế quốc Mỹ phải cay đắng thừa nhận: “Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.
‘Thà gục trên mâm pháo quyết không cầu gục”.
Cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn pháo cao xạ 228 kể lại: Hàm Rồng không chỉ có hai ngày mùng 03 và mùng 04/04/1965, Hàm Rồng còn có hơn 2.000 ngày đêm chiến đấu kiên cường dũng cảm, vượt lên mưa bom bão đạn của kẻ thù, với lời thề: “Đứng trên núi Ngọc ta thề. Chưa hết giặc Mỹ chưa về quê Hương”, với quyết tâm: ‘Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục”.
Cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn pháo cao xạ 228 kể lại những ký ức hào hùng của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Với tinh thần ấy, quân và dân Hàm Rồng đã chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, bắn rơi 117 máy bay các loại của giặc Mỹ, bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng nhiều năm liền, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần chi viện người và của cho chiến trường miền Nam ruột thịt.
Với những chiến công hiển hách, Hàm Rồng trở thành một chiếc cầu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trên miền Bắc. Ngày 5 tháng 6 năm 1967 Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ 2.000 trên miền Bắc. Ngày 26 tháng 12 năm 1971 quân và dân ta tiếp tục bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 100 tại Hàm Rồng, ngày 7 tháng 5 năm 1972, quân ta bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 300 tại Thanh Hóa. Và Hàm Rồng là chiếc cầu được bảo vệ an toàn lâu dài nhất trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc nước ta.
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển dưới làn mưa bom, bão đạn vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, tiếp tế cho bộ đội, phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Người lính già năm xưa xúc động khi nhắc đến những con người anh dũng kiên cường của quân và dân Thanh Hóa: "Chúng ta không thể nào quên những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, luôn chắc tay súng, hiên ngang đối mặt với giặc trời. Đó là hình ảnh Khu đội trưởng Nguyễn Thị Hằng dù bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy; hình ảnh anh hùng Ngô Thị tuyển vác 2 hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng mình ra trận địa để bộ đội có đạn chiến đấu; hình ảnh cô Lê Thị Dung và anh Ngô Thọ Sáu dân quân Nam Ngạn bơi ra tàu Hải quân cùng chiến đấu với bộ đội trên tàu; hình ảnh sư thầy Đàm Thị Xuân cùng các mẹ các chị nấu cơm cho bộ Hải quân trước sân chùa trong trận ngày 26 tháng 5 năm 1965. Đó là hình ảnh “Giặc đến nhà cả làng ra trận” xuất hiện đầu tiên ở làng Nam Ngạn anh hùng.”
“Hay hình ảnh 7 cô gái làng Yên Vực bơi thuyền chở đạn qua sông để trận địa pháo trên quê hương mình có đạn đánh giặc; hình ảnh cô dân quân làng Đông Quang Lương Thị Thục xé áo của mình lau đạn cho bộ đội trên trận địa Đồi Không Tên trong trận mùng 3 tháng 4 năm 1965, hình ảnh cô dân quân làng Đông Sơn Dương Thị Viện vác đạn lên trận địa đại đội 4 trong trận 21, 22 và 23 tháng 9 năm 1966; hình ảnh các cô dân quân làng Phượng Đình thay thế pháo thủ trên trận địa Đồng Đá, tự vệ nhà máy Điện Hàm Rồng lên thay pháo thủ chiến đấu trên trận địa 57…”, Cựu chiến binh Lê Xuân Giang nhớ lại.
Mãi là bản hùng ca bất tử
Tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh, Hàm Rồng chiến thắng là kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã quy tụ và kết tinh tinh thần yêu nước của cả dân tộc, cùng với ý chí sắt đá, sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt. Những chiến sĩ phòng không - không quân, bộ đội, dân quân tự vệ, công nhân, thanh niên xung phong, nhân dân Thanh Hóa đã viết nên bản hùng ca bằng lòng quả cảm, bằng những hành động quên mình vì Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh ôn lại bản hùng ca Hàm Rồng chiến thắng của quân và dân ta 60 năm về trước.
Hàm Rồng Chiến thắng cùng với nhiều chiến thắng tiêu biểu khác của quân và dân ta trong các trận chiến bảo vệ Phà Ghép, Đò Lèn, sự hy sinh cao cả của các giáo viên, học sinh trường Y và Trường Sư phạm 7+3 trên công trường đắp đê sông Mã năm 1972... đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hùng, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng trong buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng nêu rõ: Hàm Rồng chiến thắng trở thành tượng đài bất tử, minh chứng cho tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù xâm lược. Đây cũng là thất bại lớn đầu tiên của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, là sự khẳng định về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam. 60 năm đã đi qua nhưng sự kiện Hàm Rồng Chiến thắng mãi là bản anh hùng ca bất tử, để lại những bài học quý giá, có ý nghĩa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Hàm Rồng – vang maĩ bản hùng ca” được tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giữ vai trò then chốt, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành "tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Đây cũng là năm đánh dấu thời điểm đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng, phát huy tinh thần Hàm Rồng Chiến thắng, năm 2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một góc TP. Thanh Hóa hôm nay.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 11% trở lên. Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Chiến tranh đã lùi xa, Hàm Rồng chiến thắng vẫn mãi là “bản hùng ca bất tử” trong lòng người dân đất Việt. Vẫn là ngọn đuốc soi đường, tiếp lửa và ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Hoài Thu
Bình luận