Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ sáu, 29/12/2023 08:12
TMO - Năm 2023, thế giới đã ghi nhận nhiều thảm họa thiên nhiên, riêng mỗi thảm họa có mức tàn phá hàng tỷ USD trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng cuộc sống của người dân tại nhiều quốc gia.
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Trận động đất có cường độ 7,8 làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tây bắc Syria ngày 6/2/2023 đã gây hậu quả thảm khốc, cướp đi khoảng 50.000 sinh mạng. Ở cả 2 quốc gia, đã có hàng chục nghìn người bị thương, nhiều nhà cửa và cơ sở vật chất bị hủy hoại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đây là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong vòng 100 năm qua tại châu Âu.
Động đất tại Thổ Nhỹ Kỳ được đánh giá là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong vòng 100 năm qua tại châu Âu.
Tại Syria, con số thương vong được ghi nhận là 1.451 người thiệt mạng và 3.531 người bị thương. Sau trận động đất ban đầu, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đã ghi nhận ít nhất 77 dư chấn, trong đó có 1 dư chấn mạnh 7,5 độ. Ba trong số các cơn dư chấn này có cường độ từ 6,0 trở lên. Trận động đất không chỉ là cú đánh mạnh vào đời sống của hàng trăm nghìn người, mà còn khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hơn 163 tỷ USD - một con số vô cùng lớn đối với quốc gia còn đang gặp nhiều thách thức về kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi sau trận động đất kinh hoàng này.
Cháy rừng ở Hawaii
Tháng 8/2023, Hawaii, tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ, hứng chịu một trận cháy rừng khủng khiếp, với độ lớn và thiệt hại được đánh giá là nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ trong vòng 100 năm qua. Các đám cháy bùng phát tại một số địa điểm trên đảo Maui của Hawaii rồi lan rộng tới thành phố Lahaina gần đó, thiêu rụi thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng này và cô lập hoàn toàn khu vực phía Tây của hòn đảo. Theo cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) thống kê, khoảng 2.000 ngôi nhà và hơn 850 hecta đất đã bị thiêu rụi, với khoảng 100 người đã chết trong trận cháy rừng này. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến 5,5 tỷ USD.
Cháy rừng tại Hawaii đánh giá là nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ trong vòng 100 năm qua.
Siêu bão tấn công, Trung Quốc hứng chịu mưa lớn kỷ lục
Bão Haikui gây ngập lụt, buộc các thành phố ở tỉnh Phúc Kiến dừng tàu điện ngầm, đóng cửa trường học và sơ tán dân. Các nhà khí tượng học ngày 6/9 cho hay lượng mưa do bão Haikui trút xuống thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến, qua đêm là mức cao nhất trong 12 năm qua. 49 hồ chứa đã vượt mức nước cho phép. Thành phố Phúc Châu đóng cửa các tuyến tàu điện ngầm, hoãn tàu đường sắt, đóng cửa trường học vào ngày thứ hai liên tục.
Hơn 36.000 người phải sơ tán. Truyền thông Trung Quốc đưa tin lượng mưa trong bão Haikui có tác động nghiêm trọng, cơn bão quét qua tỉnh Phúc Kiến cuối tháng 7 gây lũ lụt và thiệt hại kinh tế hơn hai tỷ USD. Tại thủ đô Bắc Kinh và miền bắc Trung Quốc. Lực vực sông Hải Hà trải qua trận lụt tồi tệ nhất do mưa bão gây ra từ năm 1963. Một hồ chứa nước ở quận Xương Bình của Bắc Kinh ghi nhận lượng mưa 744,8 mm từ ngày 29/7 đến 2/8, lượng mưa lớn nhất trong thành phố suốt 140 năm qua.
Bão Haikui gây thiệt hại nghiêm trọng tại Trung Quốc.
Động đất Morocco
Nửa đêm 8/9 (theo giờ địa phương) một trận động đất mạnh 6,8 độ richter đã xảy ra ở khu vực phía Đông của Morocco. Đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Morocco trong vòng 120 năm qua, với tâm chấn ở độ sâu 18,5 km nằm trong dãy núi High Atlas thuộc tỉnh Al Haouz, cách thành phố du lịch nổi tiếng Marrakesh khoảng 70 km về phía tây nam. Do trận động đất xảy ra trong đêm và lại có cường độ cực mạnh, nên hậu quả là vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt đối với những làng mạc trong khoảng cách 50 km tính từ tâm chấn.
Tang thương nhất là Amizmiz, một thị trấn nằm ở vùng núi cách tâm chấn khoảng 32 km về phía đông bắc, khi gần như toàn bộ nhà cửa nơi đây bị san bằng, với khoảng 2.000 người thiệt mạng. Một số khu định cư nhỏ cũng chịu tổn thất nặng nề; chẳng hạn như thị trấn Tafeghaghte, nằm cách Amizmiz khoảng 1,5 km, cũng chỉ còn là đống đổ nát, khi trận động đất đã giết chết hơn 90 cư dân ở đây. Theo Bộ Nội vụ Morocco, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất ở quốc gia Bắc Phi này là hơn 2.800 người và khoảng 2.500 người bị thương, biến thảm họa hôm 8/9 là trận động đất gây nhiều thương vong nhất tại Morocco kể từ năm 1960.
Động đất tại Morocco gây thương vong nghiêm trọng.
Lũ lụt ở Libya
Ngày 10/9, cơn bão Địa Trung Hải có tên Daniel đi qua miền Đông Libya, tạo ra một cơn mưa dữ dội và kéo dài, với lượng mưa lên đến 400mm. Số nước mà bão Daniel đổ xuống đông bắc Libya tương đương với lượng mưa trong 8 tháng ở khu vực này. Thảm kịch lên đến đỉnh điểm khi hai con đập tại đây không chịu nổi áp lực và vỡ trong đêm 11/9, kéo theo 30 triệu mét khối nước đổ vào các khu vực đang phải vật lộn với lũ lụt. Trong số các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, thành phố Wadi Derna ở phía Đông Lybia, nơi có ít hơn 100.000 người sinh sống, phải gánh chịu hậu quả lớn nhất với 1/4 số nhà cửa nơi đây bị lũ cuốn trôi. lũ lụt do bão Daniel gây ra đã khiến hơn 11.300 người chết và hơn 10.000 người mất tích, trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử hiện đại của Lybia.
Nắng nóng kỷ lục tại châu Âu và châu Á
Mùa hè năm 2023, cả châu Âu và châu Á đều liên tiếp chứng kiến những kỷ lục về nắng nóng và hệ quả sâu sắc của tình trạng thời tiết cực đoan này. Ở châu Âu, sau tháng 6 nóng nhất là tháng 7 và tháng 9 cũng có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận vào các tháng này trong lịch sử. Nhiệt độ tại thị trấn Floridia trên đảo Sicily, Italia vào ngày 13/8 lên đến 119,84 độ F, hay gần 49 độ C, trở thành cột mốc mới về nhiệt độ trong lịch sử châu Âu.
Tại châu Á, đợt nắng nóng vào tháng 4 và tháng 5 cũng ghi nhận những cột mốc nhiệt độ cao nhất lịch sử tại các quốc gia Nam và Đông Nam Á, chẳng hạn như Thái Lan chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ 45,4 độ C hôm 15/4, còn nước láng giềng Lào cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong hai ngày liên tiếp hồi tháng 5. Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc) cũng đã trải qua ngày tháng 5 nóng nhất (46,1 độ C) trong hơn một thế kỷ vào hôm 29/5 trong khi Bangladesh ghi nhận tháng 4 nóng nhất sau 6 thập kỷ và các bang phía Bắc Ấn Độ chứng kiến nhiệt độ vượt quá 45 độ C vào giữa tháng 5.
PV
Bình luận