Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 05:04
Thứ tư, 09/04/2025 06:04
TMO - Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Thái Bình đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Có đường bờ biển dài 54 km, 4 cửa sông lớn và hệ thống sông ngòi dày đặc, Thái Bình có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Những năm qua Thái Bình đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Bình, thời gian qua, Sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các nội dung về khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sinh, với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng.
Cùng với đó, khuyến khích các địa phương tích cực triển khai các mô hình nuôi trồng thuỷ sản. Đơn cử, tại huyện Thái Thụy, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản hiện đại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tại xã Thái Thượng, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao được người dân chú trọng, mạnh dạn đầu tư. Vùng nuôi tôm được lắp đặt các thiết bị hiện đại như máy sục khí, máy đo nhiệt độ, máy cho ăn tự động, camera giám sát... Từ khi bắt tay vào nuôi tôm công nghệ cao, người dân có thể duy trì sản xuất một năm 4 vụ nhờ công nghệ kiểm soát được nhiệt độ, môi trường và thức ăn của tôm.
Tôm được nuôi trong môi trường nước sạch và theo quy trình đạt chuẩn nên có kích cỡ khoảng 40 con/ kg. Mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn tôm. Hiệu quả nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ven biển đã được khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để phát triển như mô hình ao bán nổi, quy hoạch vùng nuôi các giống thủy sản đặc sản.
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi tôm giúp sản lượng tôm tăng cao và ổn định.
Lãnh đạo Chi cục Biển và Thủy sản cho biết, sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam có sự đóng góp của thủy sản Thái Bình với định hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái. Thái Bình có đường bờ biển dài với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thủy sản, đặc biệt chú trọng khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Trong đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát triển đa dạng các đối tượng, hình thức nuôi ở vùng nước mặn, lợ và ngọt như nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú moana, cá song, cá hồng Mỹ, cá lăng, vùng nuôi rươi có giá trị kinh tế cao. Lĩnh vực khai thác thủy hải sản là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân Thái Bình, từ một nghề cá nhân dân, hoạt động ở vùng biển gần bờ, đến nay cơ cấu tàu thuyền đã chuyển dịch theo hướng tăng phương tiện khai thác xa bờ, giảm phương tiện khai thác gần bờ, áp dụng công nghệ để khai thác các đối tượng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao.
Ngư dân trong tỉnh đầu tư đóng mới nhiều tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần, ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Trang bị, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc như các máy bộ đàm tầm ngắn, bộ đàm tầm xa, máy định vị, thiết bị giám sát hành trình nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Với lĩnh vực chế biến thủy hải sản, Thái Bình đã đóng góp các sản phẩm cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu nhiều mặt hàng có chất lượng như ngao, nước mắm, tôm nõn... đã được xuất khẩu sang thị trường khu vực Đông Nam Á, các nước châu Âu.
Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngày càng được quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của người dân trong tỉnh. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao trong việc chấp hành các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Sự phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực thủy sản, đặc biệt lực lượng sản xuất, nuôi trồng, khai thác và các cơ sở hạ tầng nghề cá đã giúp cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Kết quả sản xuất năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.365,09ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 188,8 nghìn tấn, tăng 0,5% so với năm 2023. Sản lượng giống sản xuất ước đạt 565,4 triệu con.
Toàn tỉnh có 731 tàu thuyền khai thác thủy sản, tổng công suất đạt 143.891CV, sản lượng khai thác đạt 291,7 nghìn tấn. Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 2,27% so với năm 2023, đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung trong ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh.
Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ để có năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung và nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nói riêng, tỉnh Thái Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, xử lý vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm…/.
Minh Thành
Bình luận