Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 18:11
Thứ tư, 04/01/2023 11:01
TMO - Phát huy những lợi thế của địa phương ven biển, thời gian qua tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững; phấn đấu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 65km chiều dài đường bờ biển với 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện nằm ven biển với tổng diện tích hơn 1.500km2, chiếm gần 65% diện tự nhiên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn có luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với biển Đông. Cùng với luồng tàu biển, tỉnh còn có Khu Kinh tế Định An, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Trung ương đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển...Từ lợi thế này, những năm qua, Trà Vinh được Trung ương hỗ trợ đầu tư nhiều công trình trọng điểm mang tầm quốc gia trên địa bàn để giúp tỉnh khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.
Tại Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030, tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh đến nhiệm vụ tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng ven biển; thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch, công nghiệp ven biển, năng lượng sạch, cảng biển. Phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống người dân; bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các đơn vị, địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời nâng cấp hệ thống các cảng cá trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh Trà Vinh phấn đấu tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70-75% giá trị sản xuất của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Đến năm 2025 giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt khoảng 300.000 tấn/năm (trong đó nuôi trồng 200.000 tấn, khai thác 100.000 tấn). Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phấn đấu du lịch biển tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, đến năm 2025 chiếm 10% tỷ trọng của toàn ngành. Phấn đấu đến năm 2030, tổng công suất của các nguồn điện (điện than, gió, mặt trời, sinh khối....) đạt khoảng 9GW; đến năm 2045 đạt khoảng 12GW.
Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể hóa 36 hợp phần trong quy hoạch tỉnh, đảm bảo hài hòa, gắn kết với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Huy động, tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống đê sông, đê biển đảm bảo chắn sóng, bảo vệ rừng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; rà soát, đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh và ngăn mặn, trữ ngọt. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương triển khai xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Trong đó, với phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: Tỉnh Trà Vinh tổ chức thực hiện đồng bộ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời và các dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo (khí hydro xanh)...; đồng thời, đầu tư hạ tầng truyền tải điện, phấn đấu đến năm 2025 Trà Vinh trở thành một trong những trung tâm năng lượng của vùng.
Tiếp tục mời gọi đầu tư, thu hút và triển khai các dự án năng lượng tái tạo sau khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về năng lượng tái tạo. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp đầu tư ha ̣tầng truyền tải điện để giải phóng công suất các dự án điện đang và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 sản lượng điện sản xuất đạt 43,8 tỷ KWh.
Tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thúc đẩy điện gió phát triển trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải An
Bên cạnh đó, địa phương này tập trung phát triển thủy sản tại các huyện, thị vùng ven biển với việc đẩy mạnh rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 có 15.000 ha diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh theo hướng sạch có kiểm chứng và có chỉ dẫn địa lý; trong đó, có 1.100 ha nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng, cua, các loài nhuyễn thể....
Nâng cấp và mở rộng dịch vụ Cảng cá Định An; khôi phục Làng nghề chế biến thủy sản Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) và Đông Hải (huyện Duyên Hải). Thành lập, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã hậu cần nghề cá trên biển để thu mua, tiêu thụ, chế biến hải sản theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị hải sản đánh bắt, đồng thời cung cấp hậu cần thiết yếu giúp các đội tàu bám biển dài ngày. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào quy hoạch các cảng cá mới loại I, loại II như: Cảng cá Định An, thị trấn Định An, huyện Trà Cú); Cảng cá Long Vĩnh (xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải); Cảng cá Động Cao (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải), kết hợp gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và phát triển chợ đầu mối hải sản và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; chuyển đổi công năng Cảng cá Láng Chim.
Đối với nhiệm vụ phát triển dịch vụ, du lịch biển, thời gian tới tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành dulịch, ưu tiên hình thức xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Khu du lịch Biển Ba Động trở thành khu nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm... trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Phát triển các ngành dịch vụ và dịch vụ biển; vận dụng các nguồn lực cộng đồng cho các hình thức du lịch sinh thái; phát triển các cụm tuyến du lịch trên sông Cổ Chiên, từ thành phố Trà Vinh đến biển Ba Động trong một tuyến hành lang du lịch, kết hợp với đường hành lang ven biển; phát triển các tour du lịch biển tham quan các địa điểm như: Tham quan rừng ngập mặn - các công trình điện gió, điện năng lượng, làng nghề cá; phát triển một số loại hình dịch vụ du lịch trên biển, du lịch cộng đồng; kêu gọi đầu tư tàu du lịch cao tốc tuyến Định An - Côn Đảo, tuyến Định An -Vũng Tàu.
Khu du lịch biển Ba Động là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Ảnh: T.Nguyên
Ngoài ra, thời gian tới tỉnh Trà Vinh tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị quan trọng góp phần phát triển kinh tế biển. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ tại 03 đô thị trọng tâm (thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và thị trấn Tiểu Cần mở rộng) phù hợp với đặc thù, quy mô phát triển của từng đô thị. Đưa vào khai thác sử dụng Khu bến tổng hợp Định An, Bến cảng Trà Cú, Bến cảng Trà Cú - Kim Sơn và kêu gọi đầu tư bến cảng đầu mối (khu vực biển Trà Vinh); xã hội hóa các bến khách ngang sông và đầu tư xây dựng các bến xe khách theo quy hoạch.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực 04 xã đảo thuộc huyện Duyên Hải và 02 xã đảo thuộc huyện Châu Thành; hoàn thiện giai đoạn 02 dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; đầu tư cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với quy hoạch… Phấn đấu đến năm 2025 đưa một số tuyến đường tỉnh, đường huyện thiết yếu, quan trọng đạt cấp kỹ thuật bảo đảm hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực.
Tiến Cường
Bình luận