Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 09:01
Thứ bảy, 20/07/2024 06:07
TMO - Những ngày qua, mưa lớn kéo dài tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, đặc biệt là một số diện tích lúa mùa mới gieo sạ, mới cấy ở các địa phương trong tỉnh, nhất là vùng trũng thấp bị úng ngập.
Theo số liệu tổng hợp của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, mưa lớn đã làm 14.371 ha lúa mùa trong vùng phục vụ bị ngập úng, chiếm trên 50% diện tích. Trong đó, lúa bị ngập trắng 5.525 ha, sâu nước 5.860 ha, ngập phất phơ 2.986 ha. Cụ thể diện tích lúa bị ngập tại các địa phương: Nhiều nhất là huyện Bình Lục ngập 5.744 ha, Thanh Liêm 4.815 ha, Kim Bảng 2.097 ha, Lý Nhân 400, thị xã Duy Tiên 1.315 ha. Ngoài ra, có nhiều diện tích rau màu bị ngập, gồm cả trên vùng đất bãi ven sông Đáy.
Nhiều diện tích lúa mới cấy, gieo sạ trên địa bàn huyện Thanh Liêm ngập trắng. Ảnh: BHN.
Để tiêu úng bảo vệ sản xuất, các đơn vị thủy lợi trên địa bàn vận hành tổng số 146 máy bơm, của 32 trạm bơm tiêu. Về phía các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) trong tỉnh đã sử dụng máy bơm điện nhỏ nội đồng, máy bơm dã chiến di động bơm tiêu cục bộ ra hệ thống chính.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam có văn bản hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng sau mưa, úng những ngày vừa qua. Theo đó, để chủ động ứng phó và hạn chế tối đa ảnh hưởng do mưa úng gây ra, đối với cây lúa, sử dụng tối đa nguồn mạ dự phòng theo Kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2024, vụ Đông 2024-2025 (đã triển khai) để gieo cấy lại các diện tích lúa bị chết để bảo đảm mật độ.
Chủ động tỉa dặm tại mỗi ruộng từ chỗ dày sang chỗ trống. Trường hợp không còn mạ dự phòng: Chủ động liên hệ với các địa phương trong và ngoài tỉnh để có sự phối hợp, bố trí kịp thời về nguồn mạ bổ sung (Chú ý, khi lấy nguồn mạ từ nơi khác phải bảo đảm cùng giống và cơ bản phải cùng tuổi mạ). Chủ động liên hệ các đại lý, doanh nghiệp ngay để bảo đảm có nguồn giống (phải là giống ngắn ngày).
Ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam triển khai các giải pháp tập trung tiêu nước, chống úng bảo vệ diện tích lúa, hoa màu tại các địa phương.
Tiến hành gieo mạ nền cứng, mạ khay…để cấy lại trong thời gian nhanh nhất có thể, phấn đấu xong trước ngày 26/7 để bảo đảm về diện tích và cơ bản về năng suất. (Chú ý, áp dụng cho diện tích gieo cấy lại toàn bộ). Đối với các diện tích cây lúa có biểu hiện sinh trưởng chậm: Tiến hành phun ngay bằng các chế phẩm như: Atonik 1.8 SL; Orgamin; Alsti; Poly-feed; Multirice; Comcat 150WP….để cây trồng phục hồi nhanh. Đối với các diện tích lúa trà sớm, chân cao, giai đoạn cuối đẻ nhánh, phân hóa đòng, chỉ đạo bón đón đòng kịp thời với lượng 3,0-3,5kg kali/sào.
Đối với cây rau màu: Những diện tích bị thiệt hại, chuẩn bị ngay hạt giống để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi. Thu hoạch sớm đối với cây rau màu có thể cho thu hoạch và chuẩn bị gối vụ. Đối với diện tích rau màu bị ngập thời gian sinh trưởng ngắn; cây còn nhỏ có khả năng phục hồi: Trồng dặm các cây đã bị mất để bảo đảm mật độ, xới nhẹ mặt luống rau nhằm cung cấp ô xi cho bộ rễ, kết hợp phun bổ sung chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân, Asti; Atonik; Comcat 150WP…theo hướng dẫn trên bao bì. Đối với các vườn cây ăn quả: Xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây. Tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, bộ rễ phát triển.
Cùng với tỉnh Hà Nam, mưa lớn kéo dài khiến hàng nghìn ha lúa mùa mới gieo sạ, mới cấy ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhất là vùng trũng thấp bị úng ngập. Ngành nông nghiệp địa phương đang khẩn trương huy động mọi nguồn lực tiến hành tiêu nước chống úng bảo vệ cho các diện tích lúa mới gieo cấy.
Tính đến ngày 18/7, tỉnh Nam Định đã có trên 34.000 ha lúa bị ngập; trong đó, huyện Hải Hậu có diện tích lúa ngập nhiều nhất với trên 8.800 ha, huyện Nghĩa Hưng trên 6.200 ha. Trước tình hình mưa lớn kéo dài và lịch xả lũ của các hồ thuỷ điện, tỉnh Nam Định đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng trũng, thấp. Đồng thời huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc để chống úng cho lúa, đặc biệt tại những vùng lúa gieo sạ nhiều.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, ngành đã yêu cầu tổ chức kiểm tra, phân loại, đánh giá thiệt hại các trà lúa và rau màu để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Những diện tích lúa bị thiệt hại nặng do ngập úng cần khẩn trương tổ chức gieo cấy lại bằng các giống lúa phù hợp, ưu tiên giống lúa ngắn ngày theo phương thức mạ nền, tận dụng mạ dư, mạ dự phòng để bảo đảm khung thời vụ.
Lê Kiên
Bình luận