Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Chủ nhật, 28/08/2022 05:08
TMO - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các sở, ngành liên quan hoàn thành công tác rà soát tổng thể các mỏ cát phục vụ thi công cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 8/2022, nhằm tránh bị động nguồn cung vật liệu.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra công tác cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng báo cáo Ban chỉ đạo, Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 8/2022. Trong trường hợp phát hiện có các sai phạm, thu hồi ngay giấy phép đồng thời đề xuất xử lý trách nhiệm theo quy định.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu các tỉnh Đồng Tháp, An Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể các mỏ cát trong khu vực để có kế hoạch nâng công suất các mỏ đang khai thác, bổ sung các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung cho các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án cao tốc ở ĐBSCL cần khoảng hơn 35,6 triệu m3 để đắp nền. Ảnh: Huy Hùng
Các dự án cao tốc ở ĐBSCL thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, tính đến nay gồm: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau), Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh và Mỹ An - Cao Lãnh.
Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 35,6 triệu m3. Trong đó, tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2) cần khoảng 15 triệu m3. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu m3; Dự án Mỹ An - Cao Lãnh cần hơn 1,4 triệu m3 và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu m3.
Với đặc thù địa chất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long thì vật liệu đắp nền duy nhất có thể khai thác để phục vụ 4 dự án cao tốc trên là cát sông. Theo nghiên cứu thì tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu m3. Sản lượng khai thác hàng năm có thể cung cấp cho các dự án khoảng 1,9 triệu m3/năm.
Tại Đồng Tháp, trữ lượng dự kiến còn lại là 32,8 triệu m3, khả năng khai thác theo giấy phép là 3,13 triệu m3/năm. Tại Sóc Trăng, tổng trữ lượng tài nguyên (cát, đất san lấp) được dự báo khoảng 85 triệu m3, trữ lượng được phép thăm dò, khai thác đến 2020 là 45,7 triệu m3, đã cấp phép khai thác là 7,9 triệu m3, chưa cấp phép là 37,78 triệu m3.
Hiện trên địa bàn An Giang có một số mỏ đã hết trữ lượng khai thác. Những mỏ còn trữ lượng đang phục vụ cho hai dự án tuyến tránh Long Xuyên, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dữ trữ cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Nếu tăng công suất khai thác cát chỉ có thể thực hiện được ở một số mỏ, với công suất chỉ có thể đáp ứng được 1,1 triệu m3...
Các địa phương tập trung rà soát tổng thể các mỏ cát phục vụ thi công cao tốc để có phương án đảm bảo nguồn cung
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang giao đơn vị chuyên môn triển khai nghiên cứu việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và tại khu vực ĐBSCL nói riêng.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, trong đó, có dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ cũng đã thông qua cơ chế đặc thù về việc nâng công suất các mỏ cát, sỏi lòng sông tại Nghị quyết triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực ĐBSCL, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Thanh Hảo
Bình luận