Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 05:11
Thứ ba, 26/04/2022 20:04
TMO - Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 604 - CV/TU về việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân và bảo đảm hoạt động của các nhà máy chế biến một cách hiệu quả, bền vững.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến được hình thành, phát triển, như: vùng nguyên liệu mía, vùng nguyên liệu sắn, vùng nguyên liệu cao su..., một số vùng nguyên liệu đã trở thành hình mẫu của cả nước, tiêu biểu là vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn.
Phát triển vùng nguyên liệu gai xanh nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy sợi dệt trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế
Từ năm 2018 đến nay, cùng với sự ra đời của Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy; UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ sản xuất của Nhà máy, với tổng diện tích vùng nguyên liệu theo quy hoạch đến năm 2025 là 6.457 ha, trên địa bàn 18 huyện.
Qua 4 năm triển khai thực hiện, cây gai xanh đã cho thấy nhiều ưu điểm, nổi bật như: Có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, thích nghi với nhiều loại địa hình, nhiều loại đất, kể cả đất đồi từ 10-15 độ dốc, mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Vỏ cây gai xanh được bóc tách, sấy và chế biến làm nguyên liệu dệt sợi
Hơn nữa, đầu ra của sản phẩm ổn định, được nhà máy cam kết thu mua lâu dài; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch không quá phức tạp, phù hợp với trình độ của đa số nông dân trên địa bàn tỉnh; việc bảo quản, vận chuyển sản phẩm gai xanh sơ chế từ vùng nguyên liệu đến nhà máy dễ dàng, thuận tiện; trồng cây gai xanh còn có tác dụng bảo vệ môi trường, góp phần cải tạo đất.
Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021-2023, nhằm khuyến khích phát triển mở rộng diện tích cây gai xanh làm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất sợi dệt chủ lực tại tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các huyện miền núi của tỉnh.
Tính đến tháng 3/2022 diện tích trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh đạt 670 ha (trồng mới 210 ha, lưu gốc 460 ha) đạt 10,4% kế hoạch. Năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ diện tích chuyển đổi trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh 161,6 ha; mua giống trồng mới 438,5 ha; mua 207 máy tước vỏ gai với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Mới chỉ đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu của Nhà máy; quy mô vùng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu lớn...
Các huyện miền núi phát triển vùng nguyên liệu gai xanh, từng bước ổn định cuộc sống của người dân
Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu phát triển diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 đạt 6.457 ha, nâng cao đời sống và thu nhập cho bà con nông dân, nhất là khu vực miền núi, đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy dệt sợi An Phước tại huyện Cẩm Thuỷ, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Trước hết, năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu phát triển tổng diện tích cây gai xanh nguyên liệu đạt 1.460 ha, trong đó diện tích cây gai lưu gốc là 460 ha; diện tích cây gai trồng mới là 1.000 ha; tập trung tại các huyện Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Như Xuân, Bá Thước, Mường Lát, Như Thanh...; phấn đấu năng suất bình quân 0,8 tấn/ha đối với cây gai lưu gốc và 0,6 tấn/ha đối với gai trồng mới; tổng sản lượng vỏ gai khô đạt trên 900 tấn.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban ngành có liên quan, UBND cấp huyện tổ chức quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát triển cây gai xanh nguyên liệu; cụ thể hóa các những nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây gai xanh nguyên liệu bằng kế hoạch, phương án chi tiết; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND các huyện trong vùng nguyên liệu quy hoạch cây gai xanh tập trung tổ chức chỉ đạo mở rộng diện tích trồng gai xanh năm 2022 hoàn thành kế hoạch được giao (đạt 1000 ha trở lên); phân công cán bộ chuyên môn, lãnh đạo huyện phụ trách cụ thể từng địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc trồng mới cây gai xanh. Đồng thời, chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định quy mô, phạm vi, quỹ đất có thể chuyển đổi sang trồng cây gai xanh nguyên liệu theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT.
Sở NN&PTNT hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phát triển diện tích cây gai xanh tại các huyện, đồng thời tổng hợp, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong phát triển quy hoạch cây gai xanh; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện vùng nguyên liệu tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đảm bảo quy định.
Đồng thời, ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế cây gai nguyên liệu, mời các hộ dân, cán bộ địa phương thăm quan học tập các mô hình trồng gai xanh, tổ chức hội nghị, tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền về hiệu quả kinh tế cây gai xanh.
Hải Long
Bình luận