Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ tư, 28/09/2022 04:09
TMO - Từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển 3 vùng chăn nuôi hữu cơ gia cầm và hai nhóm gia súc (bò, lợn).
Theo định hướng phát triển đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng, đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi.
Vùng chăn nuôi hữu cơ được Hà Nội xác định tập trung vào hai nhóm gia súc (bò, lợn) và gia cầm. Cụ thể, tại huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm (bò); huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ (lợn); huyện Quốc Oai (gia cầm)... Mục tiêu đến năm 2030, số lượng bò thịt hữu cơ đạt 3.500 con, bò sữa hữu cơ đạt 650 con; lợn hữu cơ đạt 13.600 con, cùng với đó là khoảng 77.400 con gia cầm hữu cơ.
TP Hà Nội tập trung phát triển vùng chăn nuôi hữu cơ trên 3 nhóm đối tượng gà, lợn, bò
Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp cùng các địa phương rà soát, đánh giá, tổng hợp thực trạng, nhu cầu và điều kiện đáp ứng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; làm căn cứ triển khai định hướng phát triển chung của thành phố. Đồng thời, đánh giá dự báo về tiềm năng sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn thành phố, liên vùng. Từ đó, tổ chức chăn nuôi hữu cơ trên cơ sở phù hợp điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, nhu cầu của thị trường gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu và đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ.
Hiện nay thành phố đã có Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc triển khai các nội dung thuộc Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg.
Trước mắt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phong trào chăn nuôi hữu cơ xa khu dân cư. Triển khai thí điểm các mô hình chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Bò, lợn và gia cầm, để từng bước nhân rộng mô hình.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, về lâu dài, thành phố sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát huy kiến thức bản địa; chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Đánh giá thực trạng các tiểu vùng sinh thái; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho những giống vật nuôi bản địa, đặc hữu có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 7.500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm: 110 trang trại lớn, hơn 1.600 trang trại vừa, hơn 5.800 trang trại nhỏ. Ngoài ra, Hà Nội phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa tại các huyện: Ba Vì, Quốc Oai; 19 xã chăn nuôi bò thịt tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm, Sơn Tây; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm...
Chăn nuôi hữu cơ góp phần mang lại lợi ích bền vững cho sản xuất
Thời gian tới, ngành chăn nuôi của Hà Nội sẽ tập trung phát triển theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn. Trong đó, phát triển chăn nuôi bò và lợn để nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời giữ ổn định đàn gia súc gia cầm. cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, chú trọng chế biến sâu sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi; quản lý việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng, triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tái sử dụng chất thải chăn nuôi..., góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, ngành chăn nuôi Thủ đô thành phố đã xây dựng được 76 xã chăn nuôi trọng điểm; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất giống, cung cấp giống cho các tỉnh, để các tỉnh cung cấp thương phẩm cho Hà Nội; đang hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi hữu cơ; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tử A- Z...
Thành phố đã có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa; 857 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường, trong đó 75% số trại bò sữa; 44% số trại chăn nuôi bò thịt; 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm Biogas bằng Composite, nhựa HDPE.
Thanh Tùng
Bình luận