Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ năm, 06/10/2022 21:10
TMO - Triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TWcủa Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Bình đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp đột phá nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển.
Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình tiếp tục xác định phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong đó, trọng tâm là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. Thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.
Quảng Bình có đường bờ biển dài trên 116km, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, có 6/8 huyện, thị xã, thành phố giáp biển, 5 cửa sông lớn có hệ thống đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Chùa, Hòn Nồm, Hòn Cỏ. Địa phương này còn có ngư trường rộng lớn, trữ lượng hải sản lớn, ước tính khoảng 10 vạn tấn, với 1.650 loài hải sản có giá trị kinh tế cao, như tôm hùm, tôm sú, mực nang, mực ống,...
Ngoài ra, Quảng Bình còn sở hữu lợi thế phát triển ngành du lịch biển với các bãi tắm nổi tiếng như: Vũng Chùa - Đảo Yến, Đá Nhảy, Nhật Lệ, Hải Ninh, Ngư Thủy... kết hợp với hệ thống đường giao thông đồng bộ, dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và khu vực.
Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản được các địa phương đẩy mạnh phát triển
Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 7.800 tàu cá với trên 1.000 tàu khai thác hải sản xa bờ, vùng biển xa. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sản lượng thủy sản đánh bắt toàn tỉnh tăng khá so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, quý III khai thác ước đạt 24.953 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng khai thác thủy sản ước đạt 64.363 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
Cùng với hoạt động khai thác, tỉnh cũng tập trung vào nuôi trồng những sản phẩm chủ lực như tôm thẻ, tôm sú, cá quả, cá trắm, cá rô phi. Trong quý, các địa phương tập trung thu hoạch trước mùa mưa bão nên sản lượng tăng khá so với cùng kỳ, nhất là tôm nuôi cho sản lượng khá. Sản lượng nuôi trồng quý III ước đạt 4.977 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ; tỉnh tổng 9 tháng ước đạt 9.262 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình huy động nguồn lực phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Đặc biệt, Quảng Bình sẽ đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế động lực của tỉnh, gồm Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo gắn với hành lang Quốc lộ 12A; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cứng, tăng tỷ lệ lấp đầy, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Quán Hàu, Cam Liên và các cụm công nghiệp.
Tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với EVN tái khởi động triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I để kịp đưa vào vận hành trong năm 2023 - 2024; xúc tiến đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối…), triển khai đầu tư các dự án đường dây và trạm biến áp 500 kV, 220 kV, 110 kV.
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Bình tiếp tục lựa chọn đẩy mạnh phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch biển vẫn là động lực tăng trưởng chính. Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình đã và đang mời gọi đầu tư vào các điểm du lịch biển nổi tiếng, như: Bảo Ninh, Nhật Lệ, Quang Phú, Đá Nhảy; khu vực ven biển từ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đến xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy).
Cùng với phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, hình thành các khu ẩm thực theo mô hình chợ đặc sản, hàng lưu niệm mang thương hiệu Quảng Bình, tỉnh tập trung tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng,…
Tỉnh đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển tạo sự phát triển bứt phá.
Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hải tại cảng Hòn La
Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển, cảng chuyên dụng gắn với dịch vụ hỗ trợ; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng logistics và hệ thống giao thông kết nối cảng biển Hòn La với các tỉnh, quốc gia trong khu vực. Đồng thời, tập trung xây dựng đội tàu vận tải sông, biển, từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hải quốc tế; thí điểm các tuyến cảng vận tải và đón khách du lịch trên biển (ra các đảo, các điểm du lịch dọc bờ biển,…).
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển, Quảng Bình quy hoạch phát triển vùng ven biển thành 3 vùng: Vùng biển và ven biển phía Bắc (từ Đèo Ngang đến Bắc sông Gianh) sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại, dịch vụ; phát triển vùng kinh tế động lực Khu kinh tế Hòn La. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển dịch vụ vận tải biển, chuỗi cung ứng logistics, công nghiệp năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi)...
Vùng biển và ven biển trung tâm (từ Nam sông Gianh đến xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh): Tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các khu đô thị ven biển, trung tâm thương mại, các khu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch biển cao cấp ở vùng Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh.
Vùng biển và ven biển phía Nam (từ Nam xã Hải Ninh đến Hạ Cờ, giáp tỉnh Quảng Trị): Xây dựng vùng kinh tế tổng hợp, các khu chức năng đặc thù đa ngành, đa chức năng, đa lĩnh vực, bao gồm: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; dịch vụ du lịch; các khu dân cư đô thị, nông thôn; trung tâm công cộng, các khu sản xuất nông nghiệp, rừng phòng hộ ven biển. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo ven biển và trên biển.
Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển kinh tế biển bền vững, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15 - 20% GRDP và kinh tế của 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85 - 90% GRDP của tỉnh.
Tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên tỉnh Quảng Bình tập trung phát triển du lịch biển. Ảnh: BQB
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình cần chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương tích hợp trong quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phát triển bền vững.
Thực hiện hiệu quả liên kết vùng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác trên cơ sở sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và tiềm năng, lợi thế của tỉnh
Trong lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh khai thác xa bờ theo hướng bền vững, kiểm soát đánh bắt ven bờ, liên kết hình thành các nghiệp đoàn nghề cá lớn liên tỉnh trong việc khai thác các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để hỗ trợ trong việc sản xuất, tiêu thụ cũng như bảo đảm an toàn trước các tác động của thiên tai và nhân tai trên biển. Đầu tư hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá, chú trọng công tác thông tin, cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng, chế biến sâu thủy sản trên cơ sở ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ...
Đối với ngành năng lượng, cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Đối với kinh tế hàng hải, tập trung hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến giao thông, phát triển các cảng chuyên dùng gắn với dịch vụ hỗ trợ. Phối hợp với các địa phương có biển nghiên cứu, đề xuất Trung ương bố trí nguồn kinh phí riêng và mô hình quản lý theo vùng cho triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển từ nay đến năm 2030.
Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khai thác công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển phù hợp với cơ cấu lại các ngành kinh tế của địa phương; đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái có tính liên vùng đối với ngành kinh tế biển mới, như năng lượng tái tạo, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm.
Quang Huy
Bình luận