Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 01/10/2022 10:10
TMO - Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Trị đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiếp cận và sử dụng nước sạch cho người dân, đặc biệt tại các huyện miền núi.
Theo kết quả đánh giá của Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn, toàn tỉnh hiện có 201 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và 79.815 công trình cấp nước nhỏ lẻ đảm nhận nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 107.289/118.160 hộ, tương đương 90,8%; cấp nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho 69.014/118.160 hộ, tương đương 58,41%.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 10.871 hộ, chiếm 9,2% chưa có nước hợp vệ sinh và khoảng 49.146 hộ, chiếm 41,59% chưa có nước sạch đạt QCVN để sử dụng. Với tỉ lệ 26,08% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung thì tỉnh Quảng Trị còn thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước.
Cũng theo kết quả đánh giá bộ chỉ số nước sạch, trong tổng số 201 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung thì chỉ có 37 công trình hoạt động bền vững, chiếm 18,41%; tương đối bền vững có 43 công trình, chiếm 21,39%; kém bền vững có 41 công trình, chiếm 20,40%; đặc biệt, có 80 công trình không hoạt động chiếm 39,80%.
Hoạt động cung cấp nước sạch tại một số công trình trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước tại các địa phương. Ảnh: Vân An
Nguyên nhân là do phần lớn các công trình đã được xây dựng từ lâu, dây chuyền công nghệ xử lý nước lạc hậu; địa phương là vùng địa lý thường xuyên bị ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai và một phần do năng lực đội ngũ quản lý công trình còn yếu kém (chủ yếu các công trình có quy mô nhỏ do các xã, thôn quản lý) dẫn đến các công trình ngày càng xuống cấp, hư hỏng.
Đặc biệt, qua khảo sát các xã khu vực vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông có tỷ lệ số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch tương đối thấp so với bình quân chung của tỉnh. Cụ thể, tại huyện Đakrông, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 6.342/9.593 hộ, chiếm 66,11% và nước sạch đạt quy chuẩn chỉ đạt 970/9.593 hộ, chiếm 10,11%. Còn khoảng 3.251 hộ chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng, chiếm 33,89%; khoảng 8.623 hộ chưa có nước sạch đạt QCVN để sử dụng, chiếm 89,89%.
Đối với huyện Hướng Hóa, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 9.845/15.670 hộ, chiếm 62,83% và nước sạch đạt quy chuẩn là 5.601/15.670 hộ hộ, chiếm 35,74%. Còn khoảng 5.825 hộ chưa có nước hợp vệ sinh để sử dụng, chiếm 37,17%; khoảng 10.069 hộ chưa có nước sạch đạt QCVN để sử dụng, chiếm 64,26%.
Nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sử dụng ổn định, thời gian tới, bên cạnh đề án cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2035 đang được Sở Xây dựng chủ trì xây dựng để tổ chức thực hiện, Sở NN&PTNT cũng đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ triển khai đầu tư dự án hệ thống cấp nước tập trung vùng nông thôn, giai đoạn 2022 - 2024, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương 60 tỷ đồng với quy mô cấp nước cho 5.343 hộ trên địa bàn 8 xã thuộc 4 huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa và Đakrông.
Đối với 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, trong phạm vi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) dự kiến sẽ đầu tư công trình cấp nước nông thôn với tổng mức 144,562 tỷ đồng, quy mô cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 5.336 hộ trên phạm vi 4 xã Hướng Linh, Tân Hợp, Lìa, Xy thuộc huyện Hướng Hóa và 2 xã Mò Ó, Hướng Hiệp thuộc huyện Đakrông.
Việc nâng cấp hệ thống cấp nước đặc biệt tại các huyện miền núi góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cấp nước sinh hoạt nông thôn hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97,5% đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đơn vị chủ đầu tư dự án CRIEM phối hợp với 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông để đánh giá, rà soát lại tình trạng hoạt động các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn; xác định cụ thể nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Từ đó mở rộng phạm vi, quy mô cũng như tính ưu tiên trong đầu tư công trình cấp nước nông thôn trong vùng dự án nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 12.501 hộ dân còn lại trên địa bàn. Trong đó, huyện Hướng Hóa 5.632 hộ; huyện Đakrông 6.869 hộ.
Đối với khu vực đồng bằng và một số xã thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, vùng bãi ngang, ven biển thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, hiện UBND tỉnh đang đề xuất với các bộ, ngành trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư đề xuất là 30 triệu USD (tương đương 694,4 tỷ đồng).
Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của UBND tỉnh Quảng Trị. Địa phương này phấn đấu đến năm 2030 có 65% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Đến năm 2045 đạt 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững…Phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Đến năm 2045, tỉnh phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Lê An
Bình luận