Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 00:11
Thứ bảy, 08/10/2022 19:10
TMO – Hệ thống chính sách, pháp luật có bước phát triển đột phá với việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, làm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề bảo vệ môi trường đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm; trong đó đã đề nhiều ra mục tiêu cần phải đạt được từ nay cho đến năm 2025 như bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đạt 2,7 triệu ha;…
Mô hình trồng rau, nuôi cá tuần hoàn tại Đồng Tháp.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu bảo vệ môi trường trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay, trái phiếu chính phủ,... để xây dựng, triển khai Chương trình/dự án về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay.
Phát biểu trong Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hồi đầu tháng 8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn để thu hút, phát triển, giải quyết các vấn đề môi trường.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, 5 năm vừa qua, chúng ta thấy được đóng góp rất lớn của ngành tài nguyên môi trường và các lĩnh vực về bảo vệ tài nguyên mà chúng ta đã thực hiện được. Hệ thống chính sách, pháp luật có bước phát triển đột phá với việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, làm cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho công tác bảo vệ môi trường. Đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp, nhất là trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Nhiều dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư. Tỉ lệ chất thải rắn được thu gom tăng qua các năm, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững. Các địa phương, các ngành phải dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực. Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp. Các địa phương từ trung ương đến địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn để thu hút, phát triển, giải quyết các vấn đề môi trường.
Phạm Dung
Bình luận