Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 18:11
Thứ năm, 15/09/2022 22:09
TMO - Sự phát triển của hoạt động sản xuất và du lịch đang gây ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường biển tại tỉnh Ninh Thuận. Nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường tại khu vực này, tỉnh đã kết hợp triển khai nhiều giải pháp trong đó tăng cường công tác thu gom rác thải, thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch quản lý rác thải nhựa...
Với hơn 105km đường biển, Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều bãi biển đẹp như Bình Sơn – Ninh Chữ, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Cà Ná…thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc gia tăng của tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển hoạt động du lịch biển tại tỉnh Ninh Thuận.
Tại Ninh Thuận, bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) mặc dù sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, tuy nhiên khu vực này chịu tác động của lượng lớn rác thải từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng hải sản và du lịch.
Theo đó, tình trạng lồng bè nuôi thủy sản đã gây ô nhiễm môi trường mặt nước trong khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chữ. Theo thống kê, khu vực này có khoảng hơn 100 hộ với gần 2.000 lồng nuôi cá và tôm hùm (cuối tháng 2/2022) và lưới giũ đánh bắt tôm hùm con. Hàng ngày lượng thức ăn thừa, dư lượng thuốc thú y thủy sản và rác thải sinh hoạt của hơn 500 lao động trực tiếp trên các lồng bè đã ảnh hưởng xấu đến môi trường nước vùng biển Bình Sơn – Ninh Chữ, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch biển và quảng bá hình ảnh du lịch biển của thành phố.
Thời gian qua, thành phố cũng đã thường xuyên vận động, tuyên truyền đến chủ các lồng bè để ngăn chặn, di dời lồng bè về lại các khu quy hoạch được phép nuôi theo quy định; đồng thời yêu cầu các hộ nuôi trồng phải chấp hành nghiêm các quy định về vùng nuôi đã được quy hoạch (vùng C1, C2), không được di dời lồng bè khỏi nơi quy định hoặc kéo lồng bè về khu vực biển Bình Sơn làm ảnh hưởng đến môi trường biển.
Hoạt động thu gom rác thải tại khu vực ven biển được nhiều lực lượng trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Ảnh: Duy Quan
Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường biển, UBND tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh – sạch – đẹp”, đầu tư triển khai nhiều biện pháp nhằm làm sạch môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Trong đó, tại khu du lịch biển Bình Sơn – Ninh Chữ, thành phố đã lắp đặt hơn 100 thùng rác dọc bờ biển cùng các khẩu hiệu tuyên truyền giúp người dân có chỗ bỏ rác thuận tiện. Đồng thời, ký kết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại khu vực bãi biển.
Cùng với việc tổ chức thu gom xử lý rác thải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm cũng tăng cường quản lý việc buôn bán hàng rong trên bãi biển. Thành phố tiến hành sắp xếp lại vị trí cho các hộ kinh doanh buôn bán dọc bờ biển, yêu cầu các hộ phải kinh doanh đúng địa điểm, thời gian và phải đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực mình buôn bán.
Đồng thời, tiến hành xử lý triệt để tình trạng nuôi tôm hùm trên biển của các hộ dân bằng cách di dời các lồng, bè nuôi tôm hùm ra các vị trí quy hoạch, trả lại cho biển Bình Sơn – Ninh Chữ vẻ đẹp vốn có.
Công tác thu gom rác thải không chỉ được thực hiện ở một hay hai bãi biển tập trung đông du khách mà những hoạt động về bảo vệ môi trường biển đã diễn ra ở hầu hết các vùng biển tại Ninh Thuận như Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm); Mỹ Tân, Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải); Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam).
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển, tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên vùng biển của tỉnh. 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom. 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy.
Đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên vùng biển của tỉnh. 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy.
Mô hình tàu thu gom rác thải trên biển được triển khai tại khu vực bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ. Ảnh: Kha Hân
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là các trường hợp đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Các đơn vị, công ty thu gom, xử lý rác thải tăng cường bố trí các thiết bị chứa rác và các địa điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường. Các địa phương ven biển phối hợp cùng các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào, chiến dịch thu gom rác làm sạch bãi biển, khu dân cư ven biển.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên góp phần hiện thực hóa mục tiêu Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, kinh tế biển chiếm 41- 42% GRDP của tỉnh, trong đó cơ cấu nội bộ nhóm ngành kinh tế biển gồm đô thị, dịch vụ du lịch biển chiếm 16 - 17%.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng.
Đức Mạnh
Bình luận