Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 11:01
Thứ ba, 21/01/2025 06:01
TMO - Huyện Bảo Thắng đang là địa phương dẫn đầu về diện tích trồng chè của tỉnh Lào Cai. Thời gian qua việc đẩy mạnh phát triển ngành hàng chè được Bảo Thắng xác định là một giải pháp quan trọng nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế và phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Toàn huyện Bảo Thắng có 509 ha trồng chè. Do người dân đã có kinh nghiệm chăm sóc nên năm 2024, năng suất chè đạt trên 88 tạ/ha, sản lượng ước gần 4.500 tấn (tăng trên 29 tấn so với cùng kỳ). Sản phẩm chè của huyện có thị trường tiêu thụ trong tỉnh và các nước Trung Đông. Xác định đây là cây trồng chủ lực, những năm gần đây, ngoài tích cực mở rộng diện tích, người dân Bảo Thắng còn đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
Đáng chú ý, tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, (tỉnh Lào Cai) là một trong số những địa phương đẩy mạnh phát triển ngành chè. Cây chè ở đây đang khẳng định vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ cây chè, nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, có thu nhập ổn định hơn.
Cây chè được bà con nhân dân chăm sóc theo các quy định nghiêm ngặt về sản xuất chè sạch và an toàn. Nhiều năm nay, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân Phú Nhuận. Theo chia sẻ của một số người dân tại thôn Phú An 1, xã Phú Nhuận, với tổng diện tích 3 ha, người dân đã thu hơn 60 tấn chè búp tươi, trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 250 triệu đồng. Hằng năm, gia đình còn tạo việc làm cho 10 - 15 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, với hộ dân khác cũng tại xã Phú Nhuận, người dân còn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên một năm cho thu hái 6 lứa, mỗi lứa được khoảng 14 tấn chè búp tươi.
Với đầu ra ổn định, giá bán từ 6.000 - 6.500 đồng/kg chè búp tươi, sau khi trừ chi phí có lãi gần 300 triệu đồng. Hiện, toàn xã Phú Nhuận có tổng diện tích chè gần 180 ha, chủ yếu là chè kinh doanh, gồm các giống lai 1, lai 2 và Bát Tiên. Nhờ được chăm sóc theo các quy định nghiêm ngặt về sản xuất an toàn, do vậy từ nhiều năm nay, đầu ra sản phẩm rất thuận lợi, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Năm 2024, sản lượng chè búp tươi của Phú Nhuận cung cấp cho các nhà máy chế biến đạt gần 1.600 tấn (tăng 200 tấn so với năm 2023), doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Để giúp nông dân làm giàu từ cây chè, xã Phú Nhuận đang tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn phát triển vùng nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giá bán chè búp tươi chất lượng cao áp dụng cho khu vực Ải Nam, thị trấn Nông trường Phong Hải (loại 1) là 20.000 đồng/kg; loại 2 là 18.000 đồng/kg; các khu vực khác từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Để phát triển bền vững ngành chè, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền người dân chăm sóc theo hướng sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ được chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP nên các đồi chè ở huyện Bảo Thắng đã cho năng suất ngày càng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, để cây chè cho năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, UBND xã Phú Nhuận đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã xuống các thôn hướng dẫn bà con tập trung đốn tỉa, làm cỏ, chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật. Chủ động bón phân bằng các loại phân hữu cơ, hạn chế tối đa các loại phân vô cơ và phun thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cho cây chè sinh trưởng và phát triển tốt.
Đồng thời, hướng dẫn nhân dân phòng trừ nấm bệnh cây chè sau đốn, và sử dụng các loại phân bón để bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây chè. Đặc biệt là khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản xuất chè sạch, giúp cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ cách làm này, năng suất, sản lượng chè của xã Phú Nhuận ngày càng được nâng cao hơn.
Xã Phú Nhuận cũng xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực có giá trị, cho sản phẩm thường xuyên ổn định, đảm bảo thu nhập cho người dân. Địa phương đang tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững quan hệ sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy, cây chè đã khẳng định vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn ở Bảo Thắng trong đó có xã Phú Nhuận - địa phương được chọn làm trọng điểm quy hoạch vùng trồng chè của huyện đang ngày càng phát triển với quy mô lớn.
Thời gian tới, huyện Bảo Thắng sẽ tập trung bảo vệ các diện tích chè hiện có, tổ chức thực hiện việc trồng mới; trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Cùng đó, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tại các địa phương cụ thể, liên kết, gắn với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn; hỗ trợ các đơn vị chế biến xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập của người làm chè, từ đó phát triển ngành hàng chè theo hướng bền vững.
Hoài Thương
Bình luận