Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 02/02/2025 12:02
Thứ năm, 26/12/2024 06:12
TMO - Mặc dù có nền công nghiệp phát triển, tuy nhiên tỉnh Bắc Ninh vẫn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh việc tái cơ cấu cây trồng trên diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hoá ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Từ chuyển đổi phương thức canh tác, đưa giống cây mới vào sản xuất, đời sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng nâng lên, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Cùng với sự bứt phá mạnh mẽ về thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, đạt kết quả cao. Sau một thời gian triển khai Đề án “Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản có giá trị kinh tế cao, tỉnh Bắc Ninh” đã thể hiện sự đúng đắn và được nông dân đồng tình, hưởng ứng.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2024, toàn tỉnh chuyển đổi được 83,72 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các cây trồng, sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó có 33,23 ha chuyển đổi sang trồng rau các loại; 7,62 ha sang trồng cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn quả; 42,87 ha trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện mô hình chuyển đổi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Riêng Sở NN&PTNT tổ chức hơn 200 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, phổ biến văn bản pháp luật cho khoảng 21.100 người tham gia là các hộ dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07/2022-HĐND cho mô hình trồng rau, cây ăn quả quy mô 15 ha tại huyện Lương Tài, Gia Bình; mô hình sản xuất tỏi An Thịnh gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 3ha tại huyện Lương Tài.
Các cơ quan tận tình hỗ trợ việc đăng ký, kê khai đất chuyển đổi bảo đảm đúng quy định, nhất là diện tích chuyển sang trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, các dự án sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tập trung. Bước đầu cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người sản xuất. Giá trị mô hình chuyển đổi cao hơn từ 200-420 triệu đồng/ha so với trồng lúa.
Các diện tích đất lúa khó canh tác, đất xen kẹp... được chuyển đổi góp phần giải quyết tình trạng bỏ ruộng không gieo cấy tại một số địa phương. Cũng từ những mô hình này, nông dân dần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang tăng cường thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa.
Nhiều vùng sản xuất mới được hình thành, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được thực nghiệm phù hợp với đồng đất địa phương. Theo chia sẻ của một số hộ dân tại thôn Huề Đông, xã Đại Lai, huyện Gia Bình cho biết, sau khi được chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn, người dân đã mạnh dạn cải tạo đất sản xuất lúa kém hiệu quả trước đây, đầu tư xây dựng nhà màng trồng các loại dưa chuột baby, dưa lưới, cho thu nhập ổn định hơn hẳn.
Mô hình chuyển đổi trồng nho trên đất lúa của một HTX trên địa bàn xã Bình Dương (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). (Ảnh minh hoạ: NT).
Từ đây, người dân tiếp cận với công nghệ phun tưới tự động, phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việc chuyển đổi cũng tạo thuận lợi cho thực hiện sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành các vùng sản xuất áp dụng quy trình canh tác, tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, qua đánh giá từ thực tế ở các địa phương cho thấy, quá trình chuyển đổi diện tích đất lúa còn một số vướng mắc.
Đơn cử như quy hoạch sử dụng đất thay đổi, diện tích đất đai nhỏ lẻ, phân tán; quy định về hạn điền theo Luật Đất đai gây khó khăn cho việc tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung quy mô lớn. Thị trường tiêu thụ và giá cả hàng hóa nông sản không ổn định, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa chặt chẽ, chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi. Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nên chưa thu hút được doanh nghiệp quan tâm, đầu tư...
Năm 2025, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đặt mục tiêu thực hiện được 162,99 ha. Trong đó chuyển sang trồng cây hằng năm 112,7 ha; cây lâu năm 14,9 ha; trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 35,39 ha. Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nông dân; nhân rộng điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi mạnh dạn chuyển đổi và đầu tư sản xuất.
Hỗ trợ các thủ tục chuyển đổi; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến tại các vùng chuyển đổi. Làm tốt công tác quy hoạch, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp, định hướng tập trung vào nông sản đặc sản, gắn với xây dựng thương hiệu; tận dụng và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương...
Để từng bước bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại Bắc Ninh theo hướng bền vững, cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người nông dân cần chủ động hơn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa những loài cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương. Huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội để cải thiện cơ sở hạ tầng, tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất đã có hiệu quả…
Đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững góp phần nâng cao nhận thức, trình độ canh tác của nông dân, đặc biệt là phát huy lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Hữu Lộc
Bình luận