Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Chủ nhật, 13/11/2022 03:11
TMO - Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm sâm Lai Châu. Đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam thực thụ... địa phương này tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư phát huy hiệu quả lợi thế trong phát triển kinh tế-xã hội.
Lai Châu được đánh giá là địa phương sở hữu những điều kiện thuận lợi trong phát triển cây sâm như có giải khí hậu trung tính và ôn hòa; có 6/10 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, có nhiều vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, hệ sinh thái rừng và thảm thực vật vô cùng phong phú, độ che phủ rừng tự nhiên gần 52%. Theo các nghiên cứu, cây Sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, phân bổ hẹp trên địa bàn tỉnh, phát triển thuận lợi ở những vùng rừng núi cao hoang sơ, sương mù bao phủ và lạnh về mùa đông, với tiềm năng phát triển cây sâm khoảng gần 40 nghìn ha.
Tỉnh Lai Châu vừa tổ chức Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 (11-13/11/2022) nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh và chế biến các sản phẩm từ sâm. Ảnh: Đình Sơn
Theo báo cáo hiện trạng và tiềm năng, chính sách hỗ trợ phát triển Sâm Lai Châu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm nhằm giới thiệu về sâm Lai Châu với các nhà đầu tư cho thấy, sâm Lai Châu phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang). Sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 – 2.200m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Điều kiện này phù hợp với phần lớn các xã vùng biên giới và vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng sản xuất trên quy mô lớn.
Qua rà soát, đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38 nghìn ha có khả năng phát triển tốt Sâm Lai Châu. Hiện nay, tỉnh đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Về chính sách, ngoài những chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ phát triển nuôi trồng khai thác dược liệu, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… của Trung ương; tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển vùng dược liệu như: Chính sách hỗ trợ phát triển Sâm Lai Châu, hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, sâm Lai Châu được phát hiện vào năm 2013, đến nay, tỉnh Lai Châu đã hình thành được vùng sâm tại các huyện. Tuy nhiên, việc nhân giống, bảo tồn, phát triển cây sâm trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn lực của tỉnh chưa đủ mạnh để huy động đầu tư, mở rộng, đưa sâm Lai Châu trở thành sản phẩm chủ lực. Do đó, tỉnh Lai Châu mong muốn đưa hình ảnh sâm Lai Châu vươn ra cả nước và quốc tế.
Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích Sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý, bảo tồn; đầu tư, xây dựng và phát triển 7 cơ sở sản xuất giống Sâm Lai Châu; đưa diện tích vùng trồng Sâm toàn tỉnh lên 3.000 ha trở lên; khuyến khích đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm Sâm Lai Châu được áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh Sâm Lai Châu được cấp mã số theo quy định. Giai đoạn 2031 - 2045 tỉnh Lai Châu phấn đấu phát triển thêm 7.000 ha vùng trồng Sâm Lai Châu, đưa vùng trồng Sâm Lai Châu lên 10.000 ha.
Tỉnh Lai Châu tăng cường xúc tiến đầu tư, hướng đến phát triển ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm Việt Nam. Ảnh: Lê Dũng
Nhằm hoàn thành mục tiêu, tỉnh Lai Châu đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục rà soát nghiên cứu vận dụng các quy định cơ chế chính sách phù hợp; khuyến khích hình thức liên kết giữa Nhà khoa học, Doanh nghiệp với người nông dân; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo giống, sản xuất giống và trồng, chăm sóc Sâm Lai Châu.
Chủ động phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý, phát triển dược liệu. Đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của cây dược liệu nói chung, Sâm Lai Châu nói riêng, tiềm năng phát triển dược liệu và các chính sách thu hút đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu; tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nguyên liệu …
Tỉnh Lai Châu cam kết luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà đầu tư giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu nói chung cây sâm Lai Châu nói riêng. Thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi, giảm tối đa thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp; cung cấp đủ lao động có chất lượng phù hợp với các hoạt động đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án vào địa bàn.
Trần Nguyên
Bình luận