Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 05:01
Thứ năm, 28/07/2022 12:07
TMO - Khu vực Trung Đông, Châu Phi đang được đánh giá một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao. Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng gia vị nói riêng sang thị trường mới còn nhiều tiềm năng này là một hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Phiên tư vấn xuất khẩu gia vị sang thị trường Trung Đông và châu Phi, do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức ngày 27/7, ông Lê Việt Anh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, trong đó, nửa đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu tiêu sang thị trường Trung Đông đạt 18.252 tấn, giảm 18,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang thị trường châu Phi 6.696 tấn, giảm 26,6%.
Với mặt hàng quế, trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1.660 tấn quế vào Trung đông, tăng 0,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang châu Phi 1.380 tấn, tăng 1,3%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 125.553 tấn hồ tiêu, trong đó các quốc gia tại Trung Đông, châu Phi nhập khẩu cao
Lý giải nguyên nhân khiến hồ tiêu, quế nói riêng và gia vị Việt Nam nói chung chưa khai thác được thị trường Trung Đông, châu Phi, ông Lê Việt Anh cho biết: Ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Đông Âu khiến giá dầu tăng cao, lạm phát kinh tế đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu cùng với sức cạnh tranh quyết liệt từ các cường quốc sản xuất gia vị như Indonesia, Brazil… tại các thị trường này đã khiến xuất khẩu gia vị của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy các chuyên gia đánh giá thị trường Trung Đông, châu Phi vẫn còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu khi nhu cầu về gia vị tương đối lớn. Nguyên nhân là do các quốc gia khu vực này sản xuất nông nghiệp hạn chế, phải nhập khẩu nhiều loại nông sản, trong đó có gia vị.
Theo ông Trương Xuân Trung - Tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, UAE là quốc gia Hồi giáo nên nhu cầu sử dụng gia vị của người dân tại đây tương đối lớn. Thị trường UAE có nhiều khoảng trống để gia vị Việt có cơ hội thâm nhập bởi tính chất bổ trợ, nông nghiệp của quốc gia này cũng chỉ chiếm 0,9% trong cơ cấu nền kinh tế của UAE.
Đối với thị trường Arab Saudi, theo ông Trần Trọng Kim, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi, thị trường này tiêu thụ nhiều gia vị khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là hồ tiêu, quế, hồi. Trong thực phẩm của người Arab Saudi sử dụng rất nhiều gia vị, thói quen mua sắm nhiều và thường xuyên cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị của Việt Nam.
Ngoài ra, tại một số thị trường khác như Iran hay Nam Phi cũng đều rất ưa chuộng các sản phẩm gia vị. Trong đó, tại Nam Phi, người tiêu dùng quốc gia này đặc biệt ưa chuộng sản phẩm gia vị cay như ớt, gừng… Tại Iran, quốc gia này đặc biệt yêu thích hàng Việt Nam, mặt khác, gia vị của Việt Nam cũng sẽ không bị cạnh tranh tại thị trường này do hàng gia vị của 2 quốc gia có tính bổ trợ.
Các mặt hàng gia vị trong đó có quế được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Phi. Ảnh: Hồng Ninh
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, cho biết: Doanh nghiệp chia sẻ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Phi, như: Đối tác thanh toán chậm, không có khả năng thanh toán, rủi ro về tỷ giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng gặp rủi ro trong tranh chấp về hợp đồng mua bán như khối lượng, trọng lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng do người ký hợp đồng không có năng lực nhập khẩu.
Để hạn chế những rủi ro trên, đại diện cục Xúc tiến Thương mại khuyến nghị: Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch; điều tra thương nhân, cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn, tìm hiểu thông tin qua các Thương vụ Việt Nam tại địa bàn Trung Đông, châu Phi, phòng thương mại công nghiệp nước sở tại.
Trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cần lưu ý, lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như: Phương thức chuyển tiền hay phương thức nhờ thu,... cũng nên nhờ sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý và thanh toán quốc tế.
Đồng thời, các doanh nghiệp khi xuất khẩu mặt hàng này qua châu Phi cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy cách đóng gói, đạt các chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định giá, lưu ý vấn đề tỷ giá và có chứng chỉ Halal là một lợi thế.
Theo số liệu thống kê trong năm 2021, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, đạt 950 triệu USD, chiếm 44,4% tổng trị giá xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng chiếm thị phần lớn như quế chiếm 27%, đạt 275 triệu USD; hồi chiếm 8,6%, đạt 115 triệu USD…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 125.553 tấn hồ tiêu, đạt 568,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm 19,1% nhưng kim ngạch lại tăng 13,5%. Hồ tiêu của Việt Nam hiện đứng vị trí số 1 về sản lượng, chiếm 55% thị phần toàn cầu.
Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất hồ tiêu của Việt Nam, đạt 30.109 tấn, giảm 8%, tiếp theo là thị trường UAE, Ấn Độ, Đức… Tại khu vực Trung Đông và châu Phi, UAE là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, đạt 10.292 tấn; đứng thứ 2 là Iran, đạt 2.054 tấn; Egypt đạt 1.645 tấn…
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 34.250 tấn quế, đạt trị giá 151,8 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và tăng 14,6% về trị giá. Các thị trường lớn đều có lượng nhập khẩu giảm như Ấn Độ, Mỹ, Indonesia… Một số thị trường ghi nhận tăng như Bangladesh, Hàn Quốc, Hà Lan, Brazil…
Hạnh Nguyễn
Bình luận