Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ bảy, 09/07/2022 07:07
TMO - Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, giảm ảnh hưởng tác động do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của tỉnh, dự đoán từ nay đến năm 2050, mực nước biển sẽ tăng từ 22 - 30cm, theo đó, Bạc Liêu sẽ có khoảng 180.113ha bị ngập (chiếm 69,43% tổng diện tích tự nhiên). Khi nước biển dâng cũng đồng thời làm gia tăng diện tích bị nhiễm mặn, nếu lấy ngưỡng mặn 4‰ sẽ có khoảng 74,5% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, chủ yếu phân bổ ở khu vực phía Tây và phía Nam của tỉnh.
Trong những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và sinh kế của người dân. Theo thống kê, tỉnh toàn hiện có 39 khu vực bị sạt lở bờ sông, bờ biển. Tốc độ sạt lở từ 1 - 2m/năm đối với sông Gành Hào; từ 0,5 - 1m/năm đối với kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kênh 30/4, kênh Quản lộ - Giá Rai, kênh Cạnh Đền - Hộ Phòng, kênh Láng Trâm, kênh Nước Mặn, kênh Cả Vĩnh... Các khu vực còn lại có tốc độ sạt lở từ 0,3 - 0,5m/năm.
Những năm qua tình trạng sạt lở bờ sông tại tỉnh Bạc Liêu gia tăng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Huỳnh Sử
Để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, từ nay đến năm 2025, tỉnh đẩy nhanh đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, dự án di dân tái định cư và dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông.
Đến năm 2030, toàn tỉnh phải thực hiện 23 dự án; trong đó gồm 21 dự án, công trình bờ sông; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông. Tổng kính phí xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 của Bạc Liêu gần 19.300 tỷ đồng.
Đối với công tác phòng chống thiên tai năm 2022, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xây dựng các phương án chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 nguyên tắc (chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương cấp huyện kiện toàn lại đội xung kích cấp xã phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; rà soát, bổ sung các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro đối với một số loại hình thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Xây dựng phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; các phương án chằng chống nhà cửa, công trình… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Tình trạng ngập do triều cường dâng cao ngày càng xuất hiện thường xuyên tại tỉnh
Tại Kế hoạch hành động về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hoàn thành việc sắp xếp và chủ động di dời các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của triều cường, bão, gây ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao như huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với thời tiết bất lợi; tỷ lệ trồng rừng, cây phân tán và cây lâu năm bảo đảm độ che phủ đạt 14,75%.
Tỉnh cũng xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từng bước kiềm chế xu hướng ô nhiễm môi trường không khí; tỷ lệ các cụm, khu công nghiệp đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; thực hiện lắp đặt thiết bị định vị, giám sát hành trình cho 100% tàu thuyền xa bờ (có chiều dài 15m trở lên)…
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bạc Liêu ưu tiên bố trí ngân sách mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ phân bố dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, từng bước di dời dân cư, tạo sinh kế cho người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu...
Bạc Liêu triển khai dự án gia cố tuyến đê sông, đê biển, trồng mới rừng ven biển giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai. Ảnh: Lư Dũng
Tỉnh tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án như: Nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng tự nhiên; khẩn trương xử lý các nơi xung yếu, nhất là các tuyến đê, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, đô thị, nông thôn ven biển theo hướng phù hợp với kịch bản nước biển dâng.
Bạc Liêu cũng từng bước xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt, mặn xâm nhập theo kịch bản nước biển dâng của tỉnh đến cấp xã vùng ven biển để có biện pháp thích ứng phù hợp; chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của triều cường, bão gây ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao như huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu.
Bích Hà
Bình luận