Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ năm, 03/11/2022 21:11
TMO - Nhằm hỗ trợ tiêu thụ thuận lợi sản phẩm phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương, thời gian qua Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp trong đó đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm trên.
UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Phát triển sản phẩm OCOP giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường nông thôn ở các địa phương.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 174 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 95 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 29 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 144 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, như, bánh pía, bánh phồng tôm, bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím...
UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp cùng các ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Ảnh: Nguyệt Vỵ
Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều định hướng phát triển thương mại, dịch vụ, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy liên kết, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.
Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh; chương trình kích cầu tiêu dùng xã hội, đưa hàng Việt về nông thôn... Đồng thời, tăng cường kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Sở Công Thương tỉnh cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Sóc Trăng có nhiều định hướng phát triển thương mại dịch vụ, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký 216 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh và ký 54 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong thời gian qua, nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện nhằm ổn định, phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Mới đây, địa phương này đã khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại 2022. Hội chợ diễn ra từ ngày 2/11 đến 8/11, tại khu đô thị 5A, đường Mạc Đĩnh Chi, phường 4, thành phố Sóc Trăng, với quy mô hơn 430 gian hàng của hơn 320 đơn vị, doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, miền Trung-Tây Nguyên, các tỉnh phía bắc và của tỉnh Sóc Trăng.
Sở Công Thương tỉnh cho biết, cùng với các giải pháp khác thì thương mại điện tử cũng góp phần giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận được thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển quan hệ tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất giúp thanh toán nhanh gọn. Hiện nay đã có 104 sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh được bán trên các sàn giao dịch điện tử.
Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh
Nhằm tạo kênh trao đổi thông tin được cập nhật chính thức và thường xuyên về hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, góp phần mang lại những lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng trong tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng và cho ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng. Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 2/11/2022, đã có tổng số 82 doanh nghiệp đăng ký đưa 234 sản phẩm lên Sàn thương mại điện tử của tỉnh, trong đó có khoảng 100 sản phẩm OCOP.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên hoạt động xúc tiến thương mại của Sóc Trăng còn nhiều hạn chế. Theo đó, các chương trình xúc tiến thương mại chưa phủ khắp thị trường các vùng miền, khu vực trong cả nước và định hướng xuất khẩu. Số lượng sản phẩm hàng hóa tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại chưa nhiều so với tiềm năng hiện có; chất lượng một số loại sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu, Sở Công Thương tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tổ chức, tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, ưu tiên sản phẩm OCOP, hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap,... vào các thị trường trọng điểm trong nước và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài.
Hà Linh
Bình luận