Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ tư, 26/10/2022 15:10
TMO - Để công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Thạch An (Cao Bằng) đảm bảo hiệu quả, đồng thời, ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, huyện Thạch An tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác để tránh thất thu về thuế và phí bảo vệ môi trường…
Thời gian qua, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Thạch An đã tích cực triển khai kịp thời, quyết liệt nhiều biện pháp nên tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép cơ bản đã được ngăn chặn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An Nông Long Giang cho biết, theo các tài liệu địa chất, trên địa bàn huyện Thạch An có một số khoáng sản như vàng ở các xã Quang Trọng, Minh Khai và Thụy Hùng; các điểm quặng sắt tại xã Kim Đồng, Lê Lai, Vân Trình; quặng Antimon tại các xã Trọng Con, Lê Lợi, Đức Xuân; Dolomit tại các xã Đức Xuân, Vân Trình… Tuy nhiên, chưa được đánh giá cụ thể về trữ lượng và chưa được đầu tư thăm dò, khai thác.
Trên địa bàn huyện, đá vôi là nguồn nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng, phân bổ ở tất cả các xã trong huyện; cát, sỏi làm vật liệu xây dựng phân bố rải rác ở lòng sông thuộc các xã Canh Tân, Minh Khai và Quang Trọng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Thạch An có 02 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản (tuy nhiên các đơn vị vẫn đang thực hiện công tác chuẩn bị vào hoạt động) là Công ty TNHH An Minh Cao Bằng thực hiện khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá Lũng Làn, xã Lê Lai; Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Phú Tài (Công ty Phú Tài) thực hiện khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá vôi Lũng Mằn, xã Vân Trình. Hiện nay, Công ty Phú Tài mới được thuê đất và đơn vị đang thực hiện các bước đầu tư theo quy định.
Huyện Thạch An (Cao Bằng) có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như vàng, quặng sắt, quặng Antimon, Dolomit. Tuy nhiên, chưa được đánh giá cụ thể về trữ lượng và chưa được đầu tư thăm dò, khai thác.
Để tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, UBND huyện Thạch An đã lập phương án bảo vệ, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực có tiềm năng về khoáng sản nhưng chưa cấp phép hoặc các khu vực tiềm ẩn xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đến cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tại các thôn, bản nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất và thành lập tổ công tác liên ngành trực bảo vệ tại 02 điểm mỏ khoáng sản tại Phiêng Đẩy, xã Quang Trọng và Khau Sliểm, xã Minh Khai để nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương khi có hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, ảnh hưởng đến môi trường, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để phá tuyến mở đường giao thông, cải tạo san lấp mặt bằng, nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân có sử dụng khoáng sản (đá xây dựng) để phục vụ thi công công trình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản trong diện tích dự án thi công công trình với UBND tỉnh (thông qua Sở TN&MT); Kiên quyết xử lý các trường hợp có sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích thi công dự án nhưng không đăng ký khu vực khai thác khoáng sản.
Đối với một số dự án, công trình xây dựng nông thôn mới có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thì UBND xã đề nghị với UBND huyện để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (thông quan Sở TN&MT) xem xét quy định cho phép đăng ký khu vực khai thác khoáng sản.Tổ chức theo dõi và quản lý chặt chẽ đối với các điểm đăng ký khai thác, tạo nguồn thu cho địa phương. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản trong diện tích được cấp phép khai thác và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện Thạch An (Cao Bằng) trong thời gian tới tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thiên Trường - Kiều Hiếu
Bình luận