Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ sáu, 25/02/2022 15:02
TMO - Trong thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thanh long cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện các quy định trong sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, việc quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) giao về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương. Đây sẽ là cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 396 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện kiểm tra để cấp mã số cho 21 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Trung Quốc và 4 cơ sở đóng gói sản phẩm trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, đơn vị này đã thực hiện giám sát 128 vùng trồng đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Trong đó có 24 vùng trồng đạt yêu cầu; 91 vùng trồng không đạt yêu cầu; 13 vùng trồng đề nghị hủy mã số và 6 vùng trồng thay đổi thông tin vùng trồng.
Kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói giúp cơ quan chức năng quản lý được chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hầu hết nông dân bán thanh long qua thương lái nên chưa thấy được hiệu quả của việc cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, đa số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long để xuất khẩu sang Trung Quốc không thông qua hợp đồng liên kết thu mua thanh long để sử dụng mã số vùng trồng hoặc xác nhận sản lượng thanh long thu mua.
Trước tình trạng nông sản ùn ứ kéo dài tại các cửa khẩu phía Bắc gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ cũng như chất lượng nông sản này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã kiến nghị Cục Trồng trọt tham mưu Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thực hiện Điều 64, Luật Trồng trọt. Ban hành thông tư hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý nông sản xuất khẩu, có thông tin 2 chiều từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, nhằm phối hợp kiểm tra, đối chiếu và giám sát chặt chẽ, hạn chế mạo danh mã số vùng trồng, minh bạch thông tin sản lượng xuất khẩu theo quy định.
Trong thời gian sắp tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương triển khai việc kiểm tra, giám sát định kỳ các cơ sở vùng trồng tối thiểu 1 lần/vụ. Riêng các cơ sở đóng gói thanh long tối thiểu 2 lần/năm để kịp thời phục vụ nhu cầu xuất khẩu thanh long.
Về phía UBND tỉnh, để đảm bảo hoạt động sản xuất, tiêu thụ thanh long, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nông dân, tỉnh đề nghị đơn vị chức năng xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng theo quy định. Đó cũng chính là một trong những giải pháp căn cơ của thanh long Bình Thuận ngay lúc này.
Vũ Trang
Bình luận