Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ năm, 06/10/2022 16:10
TMO - Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Bắc Giang chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại khu vực này. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành các công trình trên còn nhiều hạn chế, đòi hỏi các địa phương tập trung khắc phục.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 137 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó 133 công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng kinh phí hơn 442 tỷ đồng và 04 công trình do doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn hơn 487 tỷ đồng. Năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh đạt 99,72%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 54,81%.
Tuy nhiên, giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND tỉnh cho thấy nhiều công trình hoạt động với công suất thấp so với thiết kế và không hoạt động dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước, làm giảm tác dụng, hiệu quả...
Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có 42/133 công trình hoạt động đạt hơn 50% công suất, 29 công trình hoạt động đạt 30%- 49% công suất. Có 72 công trình không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả (trong đó không hoạt động là 61 công trình với số vốn đầu tư gần 47 tỷ đồng). Tổng công suất hoạt động thực tế của các công trình mới chỉ đạt 415,66/ 752,97m3/ngày đêm, bằng 40,1%. Có công trình suất đầu tư, công suất lớn nhưng nhu cầu người dân sử dụng thấp...
Khắc phục những hạn chế trong công tác vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình cấp nước sạch nông thôn. Ảnh: Văn Vĩnh
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước với tổng kinh phí hơn 20,2 tỷ đồng. Qua rà soát, cơ quan chuyên môn xác định chỉ có 7 công trình hoạt động bền vững, còn lại không hoạt động và hoạt động cầm chừng.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm tra vệ sinh nơi khai thác nước ở một số công trình khai thác nước sông còn nhiều bất cập; việc thực hiện phê duyệt giá nước sinh hoạt của các công trình cấp nước sạch chưa đạt hiệu quả cao; một số công trình được đầu tư xây dựng hoàn thành nhưng chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí; số công trình mới được sửa chữa nhưng không hoạt động.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 43/79 xã người dân đang được sử dụng nước từ công trình nước sạch tập trung. Các xã còn lại chưa được cấp nước Sở đã đề xuất rất rõ trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có đề xuất xây mới 24 công trình cấp nước sạch, cải tạo nâng cấp, mở rộng 11 công trình và khôi phục 32 công trình ngừng hoạt động.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai việc rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và xác định rõ thời gian hoàn thành đối với các công trình; nâng cao năng lực cấp nước nhằm mở rộng vùng phục vụ góp phần tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay nguồn lực đầu tư cho các công trình nước sạch còn hạn chế, chất lượng của nhiều công trình thấp, hoạt động kém hiệu quả; cơ chế quản lý còn bất cập, thiếu thống nhất. Với những cơ chế, chính sách hiện hành không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình nước sạch vào khu vực miền núi, vùng cao, khu vực ít dân cư do vốn đầu tư lớn trong khi hiệu quả kinh tế thấp.
Do đó, để khắc phục tình trạng quản lý cấp nước sạch ở những vùng này, cần phải huy động nguồn lực của các cấp, đồng thời phải có cơ chế đặc thù, thu hút doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho nhân dân.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành chức năng tăng cường quản lý đối với việc đầu tư xây dựng, vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn. Ảnh: TL
Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh vấn đề sử dụng nước hiện nay đang được người dân đặc biệt quan tâm, do đó việc quản lý nước sạch vệ sinh nông thôn là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Qua đánh giá cho thấy công tác quản lý cấp nước sạch vẫn còn hạn chế, hiệu quả thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý còn nhiều bất cập, trách nhiệm của chính quyền cấp xã, vấn đề quản lý chất lượng nước chưa được quan tâm đúng mức, quản lý tài chính còn yếu…
Để nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, HĐND tỉnh đề nghị UBND sớm có giải pháp để xử lý những tồn tại, bất cập; trong đó nghiên cứu kỹ cơ chế về quản lý cấp nước sạch cho các doanh nghiệp; chỉ đạo rà soát phê duyệt lại giá nước sạch trên cơ sở phê duyệt giá nước sạch theo vùng, đảm bảo giá ban hành cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người dân chi trả hợp lý.
Rà soát lại giá bán nước sạch, điều chỉnh theo từng vùng, khu vực cho phù hợp với thực tế. Gắn với đó là kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp khai thác, quản lý, vận hành các công trình cấp nước; việc phân vùng nguồn khai thác và khu vực cung cấp nước.
Chấn chỉnh hoạt động quản lý chất lượng nước, bảo đảm cung cấp nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho người dân. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành, đơn vị; đồng thời tăng cường phối hợp, đề cao phân cấp, phân công rõ nhiệm vụ, đặc biệt là với các sở: NN&PTNT, Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc tỉnh.
Các huyện, thành phố cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các công trình nước sạch trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác công trình nước sạch và chất lượng nước, góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch.
Lê An
Bình luận