Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ ba, 12/07/2022 11:07
TMO - Trước thực trạng thời gian qua đã có một số đơn vị đưa rác thải từ các địa phương khác về thành phố Hồ Chí Minh để xử lý, UBND thành phố vừa chỉ đạo về việc tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác về thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, UBND TP HCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các phòng ban đơn vị liên quan và UBND phường, xã, thị trấn thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung các hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đang thực hiện và đưa vào điều kiện.
Từ đó, triển khai hợp đồng đối với các nhà thầu mới khi triển khai thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hợp đồng.
Đồng thời, chịu trách nhiệm về công tác quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được biết để chấp hành theo chủ trương chung của thành phố. Tổ chức kiểm tra giám sát các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Thời gian qua, trên địa bàn TP diễn ra tình trạng rác thải từ các tỉnh thành khác đưa về thành phố xử lý (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương nếu để tái vi phạm nhiều lần việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh thành khác tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển,… trên địa bàn quản lý khi chưa có chủ trương chấp thuận của UBND thành phố. Xác định đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện xử lý vi phạm và chỉ đạo tổ chức quản lý tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an TP HCM tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất trên địa bàn thành phố, trọng điểm tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh thành khác (như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh…) để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố có kế hoạch giám sát định kỳ, đột xuất trên địa bàn thành phố để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời phối hợp với các đơn vị xử lý yêu cầu đơn vị thu gom, vận chuyển có hành vi vi phạm.
Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không được tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác khi chưa có sự chấp thuận chủ trương của UBND thành phố.
Trong trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vi phạm thuộc sự quản lý, liên kết, liên doanh hoặc các hình thức khác với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đại diện ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố thì đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đại diện là đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hành vi vi phạm.
Đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt không được tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác khi chưa có sự chấp thuận chủ trương của UBND thành phố. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm của đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong khu vực nhà máy xử lý thì báo cho đơn vị giám sát Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố để phối hợp, cùng xử lý.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh trên 9.000 tấn rác thải sinh hoạt và được thu gom, xử lý an toàn. Mục tiêu đến năm 2025, 80% khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế.
Về công tác thu gom rác, hiện Sở TN&MT đã có hướng dẫn cho các địa phương, tùy theo đặc điểm lựa chọn hai cách để ký hợp đồng giữa đơn vị thu gom và chủ nguồn thải: UBND phường, xã có thể ký hợp đồng trực tiếp với các chủ hộ, người phát sinh nguồn thải; hộ gia đình ký trực tiếp với người thu gom rác. Đối với phương án đơn giá thu gom, việc lựa chọn đơn giá, địa phương hoàn toàn quyết định phương thức thu cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình.
Thành phố nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Bên cạnh đó, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Sở đã cho ra mắt app quản lý phương tiện vận chuyển. Dữ liệu được liên thông, liên kết với nhau qua internet phục vụ việc trao đổi thông tin giữa chủ nguồn thải, đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải với cơ quan quản lý.
Theo đó, cơ quan quản lý sẽ quản lý được đường đi và vòng đời của chất thải, từ đó hạn chế tình trạng chất thải được vận chuyển không đúng địa chỉ hoặc xử lý thì ít nhưng báo cáo nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.
Ngọc Lan
Bình luận