Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ năm, 11/08/2022 13:08
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên trong phát triển các thủy điện. Công tác quản lý quy hoạch, vận hành khai thác công trình thủy điện đang ngày càng hoàn thiện, qua đó góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm ổn định cho người dân, đem nguồn điện đến với vùng sâu, vùng xa cho các dân tộc...
Theo thống kê từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có có 130 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.573,95MW, đến nay đã có 67 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 1.080,35MW; 08 dự án thủy điện đang triển khai thi công xây dựng với tổng công suất 85MW.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 28 dự án thủy điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 173,6MW; 38 dự án thủy điện đang nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với tổng công suất 235MW. Hết năm 2022 sẽ có 04 dự án thủy điện hoàn thành phát điện bao gồm Nậm Sài (thị xã Sa Pa), Suối Chút 2 (huyện Văn Bàn), Bảo Nhai bậc 2 (huyện Bắc Hà) và thủy điện Séo Chung Hô mở rộng (thị xã Sa Pa).
Thời gian qua, thực hiện chỉ thị của Bộ Công Thương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, tỉnh Lào Cai đề xuất loại khỏi quy hoạch một số dự án ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, cấp nước thủy lợi như: Thủy điện Yên Hà 1, Yên Hà 2, Yên Hà 3, Nậm Cang 2, Phố Cũ 1, Phố Cũ 2, Nậm Nhùn 2, Nậm Nhùn 3) và không cho phép nghiên cứu 14 dự án thủy điện có công suất lắp máy nhỏ hơn 10MW.
UBND tỉnh Lào Cao chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn. Ảnh: BLC
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các công trình thủy điện trên địa bàn, từ đó phát huy hiệu quả tiềm năng, hạn chế tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, tỉnh Lào Cai đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá khảo sát một số dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cho thấy một số sự án thủy điện tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương như gây ngập úng, sụt lún nhà ở, ngập úng cây trồng, làm mất diện tích đất sản xuất; công trình khi xây dựng gây ô nhiễm môi trường sinh thái; đường giao thông xuống cấp do vận chuyển vật liệu thi công dự án.
Nguyên nhân được xác định là do công tác thống kê, rà soát các thiệt hại của người dân do ảnh hưởng của dự án chưa kịp thời, chính xác. Công tác lập phương án, phê duyệt kinh phí đền bù chưa đồng bộ, hỗ trợ kinh phí cho người dân chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác khảo sát, xác định vùng ranh giới phải giải phóng mặt bằng của các dự án thủy điện, dự báo mức độ ảnh hưởng chưa chính xác, dẫn đến khi thực hiện số hộ ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng của dự án bị ảnh hưởng cao hơn so với số lượng dự tính trong dự án.
Ngoài ra, việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án thủy điện chưa sát với thực tế; chủ đầu tư các dự án thủy điện chưa quan tâm đến việc giải quyết triệt để ý kiến, kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng, chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các doanh nghiệp ít khi làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương để thống nhất phương án giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.
UBND tỉnh chú trọng giám sát, khảo sát các dự án thủy điện từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng, hạn chế tối đa tác động đến cuộc sống người dân.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của các dự án thủy điện làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực dự án, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, chú trọng công tác giám sát, khảo sát thường xuyên của HĐND tỉnh đối với các dự án thủy điện trên tất cả các khâu từ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện nhỏ không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm nhiều đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
Nâng cao trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cần dự báo và có giải pháp khắc phục mọi ảnh hưởng của dự án đối với khu vực giáp với phạm vi, ranh giới của dự án.
Yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải pháp và kinh phí để khắc phục các ảnh hưởng trước và sau khi tích nước hồ chứa đến hai bên bờ hồ và vùng hạ du đập, nhà máy. Không phê duyệt các dự án ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân khu vực dự kiến xây dựng dự án thủy điện.
Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có dự án thủy điện phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám chủ đầu tư các dự án thủy điện, kịp thời phát hiện và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bồi thường thiệt hại do dự án gây ra.
Xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường sinh thái... xem xét, đề xuất thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ thi công để khắc phục hậu quả, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.
Thu Huyền
Bình luận