Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ hai, 28/11/2022 13:11
TMO - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái chảy qua địa bàn thành phố Thủ Đức giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, triển khai thực hiện kế hoạch liên tịch tháng 11 giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương về tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022-2025, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM làm đầu mối phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương trong triển khai thực hiện kế hoạch liên tịch, duy trì đường dây nóng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo kế hoạch đề ra. Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND TP Thủ Đức và các đơn vị có liên quan tăng cường quan trắc chất lượng môi trường nước, kiểm tra, giám sát các nguồn thải thuộc lưu vực.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tiếp tục rà soát nguồn thải ra lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp có xả thải ra lưu vực này.
UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm tại khu vực kênh Ba Bò đoạn chảy qua TP Thủ Đức
Đồng thời, có lộ trình xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm về xả nước thải, đảm bảo nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải. Buộc các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng quan trắc nước thải tự động theo quy định phải lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT thành phố . Cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện quan trắc, đánh giá chất lượng nước kênh Ba Bò và các tuyến thoát nước vào kênh Ba Bò, chất lượng nước tuyến thoát nước các dòng suối này.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát nguồn thải ra lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp xả thải; lắp đặt quan trắc nước thải tự động, và truyền dữ liệu quan trắc liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố nhằm kiểm soát chất lượng nước thải.
Cơ quan chức năng và sở, ngành tiếp tục quan trắc, đánh giá chất lượng nước và các tuyến thoát nước vào kênh Ba Bò, chất lượng nước tuyến thoát nước suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; đồng thời cung cấp, chia sẻ thông tin, kết quả quan trắc môi trường lưu vực, kết quả quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý của Khu chế xuất Linh Trung 1, kết quả thanh kiểm tra và kế hoạch xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm về xả thải cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương định kỳ mỗi 6 tháng (hoặc đột xuất khi cần thiết).
Lưu vực suối Nhum đoạn qua Đại học Quốc gia TP.HCM chưa được cải tạo, cây cối mọc um tùm. Ảnh: Đức Phú
Theo số liệu từ Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), TP.HCM hiện có 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị gồm: Bình Hưng (công suất 141.000 m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000 m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000 m3/ngày). Ngoài ra, thành phố cũng còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư. Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%. Trong khi đó, lượng nước thải đô thị phát sinh của TP.HCM là khoảng 1,54 triệu m3/ngày.
Trước thực tế, này UBND thành phố giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phối hợp với các đơn vị có liên quan mời gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày, trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000 m3/ngày, trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000 m3/ngày nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực thành phố . Nếu 3 nhà máy, trạm xử lý nước thải trên được xây dựng, dự kiến có khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố (gần 2,6 triệu m3/ngày) sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
UBND thành phố giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi tổ chức thực hiện việc nạo vét bùn đất bồi lắng, vớt rác, xử lý lục bình, cỏ dại và khơi thông dòng chảy đối với đoạn kênh hở của tuyến suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái. Đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM tăng cường quản lý khu vực đất trống thuộc đơn vị quản lý; phối hợp với chính quyền địa phương của TP.HCM và tỉnh Bình Dương rà soát, kiểm tra hoạt động của các hộ dân nằm trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho ĐH Quốc gia TP.HCM.
Minh Cường
Bình luận