Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ ba, 11/10/2022 12:10
TMO - Các làng nghề hiện nay đang đóng góp lớn cho xuất khẩu, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề chủ yếu quy mô nhỏ, kiểm soát ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế…do vậy việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường liên kết phát triển cụm công nghiệp làng nghề sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế này phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hơn 4.000 cụm công nghiệp làng nghề, trong đó khu vực miền Bắc chiếm khoảng 70% số cụm công nghiệp làng nghề cả nước. Tổng số cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp làng nghề khoảng 40.000 cơ sở, trong đó hơn 80% là các hộ kinh doanh cá thể.
Nhiều cụm công nghiệp làng nghề không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới mà còn áp dụng các công nghệ mới để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu ra nước ngoài. Phát triển cụm công nghiệp làng nghề được kỳ vọng là hạt nhân đổi mới sáng tạo tại nông thôn, nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất.
Với số lượng hơn 2.000 làng nghề truyền thống có từ 100 năm tuổi trở lên, các làng nghề Việt Nam đã sản xuất ra hàng ngàn loại sản phẩm trong nhiều lĩnh vực, đóng góp cho thị trường xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển làng nghề truyền thống ở nước ta còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.
Phát triển làng nghề hiện nay vẫn còn nhiều bất cập về quy mô, công nghệ sản xuất, hạn chế trong liên kết phát triển
Trong đó, công nghệ và máy móc thiết bị lạc hậu, vốn đầu tư hạn chế (80% cơ sở không đủ điều kiện đầu tư vốn cải tiến thiết bị công nghệ hiện đại). Sản xuất thiếu ổn định, nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ nhu cầu sản xuất còn phụ thuộc và thụ động, chất lượng nguyên liệu bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong phát triển làng nghề ở nông thôn còn nhiều yếu kém.
Ngoài ra, sự liên kết trong các cụm công nghiệp làng nghề còn nhiều hạn chế. Nhiều cụm công nghiệp làng nghề hoạt động chưa hiệu quả so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ. Nhiều nơi không thể thu hút được các cơ sở sản xuất và để hoang.
Tại Hội thảo tăng cường liên kết phát triển cụm công nghiệp làng nghề ở Việt Nam vừa được tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng để thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp làng nghề cần có nhóm chính sách và giải pháp quy hoạch không gian phát triển cụm công nghiệp làng nghề phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội tại từng địa phương.
Cụm công nghiệp làng nghề cần khai thác tốt các yếu tố lợi thế tự nhiên sẵn có của từng địa phương gồm vị trí địa lý, địa hình; giao thông; tài nguyên thiên nhiên; chất lượng đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, diện tích; nguồn nguyên liệu
Phát triển liên kết trong cụm công nghiệp làng nghề nên xây dựng liên kết ngành trục bánh xe và nan hoa, là liên kết được chi phối bởi một hay một vài doanh nghiệp lớn (đóng vai trò trục bánh xe) có các nhà cung cấp hay các doanh nghiệp liên quan với quy mô nhỏ hơn ở xung quanh (các nan hoa). Khi hình thành liên kết này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong làng nghề sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thị trường đầu tư và dây chuyền công nghệ hiện đại.
Tăng cường liên kết giữa các chủ thể sản xuất, tiêu thụ góp phần thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động tại các cụm công nghiệp làng nghề.
Vai trò của Nhà nước trong việc hình thành và phát triển các liên kết trong cụm công nghiệp làng nghề cần được thể hiện rõ nét hơn. Trong đó, vai trò của Nhà nước không phải bằng các can thiệp trực tiếp, mà bằng những cơ chế chính sách tổng hợp, hay tạo ra một môi trường tốt nhất với hạ tầng cơ sở thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực liên kết với nhau.
Chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ, xây dựng cơ chế, chế tài, vận động các hộ kinh doanh gây ô nhiễm di dời vào cụm công nghiệp, có chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp làng nghề.
Ngoài ra, để phát triển cụm công nghiệp làng nghề theo hướng bền vững, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cụm công nghiệp làng nghề. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hạ tầng cơ sở chú ý đến yếu tố xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường làng nghề.
Đồng thời, cần kết hợp đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật chất lượng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý sản xuất trong các doanh nghiệp làng nghề. Cần phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc tạo các mối liên kết giữa doanh nghiệp, liên kết giữa cụm công nghiệp trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm để phát triển các cụm công nghiệp làng nghề.
Hạnh Nguyễn
Bình luận