Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ năm, 03/11/2022 12:11
TMO - Hoạt động sản xuất công nghiệp thời gian qua giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, với lượng chất thải công nghiệp phát sinh đang ngày càng gia tăng, địa phương này đang đẩy mạnh triển khai hiệu quả công tác rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp nhanh so với cả nước. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 15 KCN được thành lập với tổng diện tích 8.510ha. Trong đó, có 13/15 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có 4 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Cùng với những đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế địa phương, hoạt động sản xuất trên đang phát sinh lượng lớn chất thải công nghiệp, đòi hỏi Bà Rịa-Vũng Tàu cần nâng cao hiệu quả trong thu gom, xử lý.
Đối với quản lý chất thải rắn công nghiệp, trong đó, chất thải rắn công nghiệp thông thường chủ yếu là xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải từ trạm xử lý nước thải tập trung... với khối lượng khoảng 1.285 tấn/ngày, riêng xỉ thép khối lượng khoảng 1.230 tấn/ngày, hiện nay đang được thu gom, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh xử lý; một phần được vận chuyển sang các tỉnh khác để xử lý đúng các quy định hiện hành.
Hoạt động sản xuất gang thép tại các KCN trên địa bàn tỉnh phát sinh lượng lớn chất thải rắn công nghiệp cần được xử lý (Ảnh minh họa)
Đối với xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, khối lượng phát sinh khoảng 204 tấn/ngày (không tính bụi lò thép), hiện đang có 7 đơn vị được cấp phép hoạt động theo quy định với tổng công suất xử lý theo giấy phép khoảng 281 tấn/ngày, đáp ứng xử lý được khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh. Riêng bụi lò luyện thép, hiện có dự án xử lý bụi lò luyện thép có công suất xử lý 100.000 tấn/năm tại KCN Phú Mỹ 3 đã được đưa vào vận hành từ tháng 9/2019, công suất đáp ứng xử lý được khối lượng bụi lò phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Trước sự gia tăng của lượng chất thải công nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại theo thẩm quyền; tăng cường giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao có phát sinh chất thải công nghiệp theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các huyện, thị xã, thành phố rà soát, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi chôn, lấp, đổ thải chất thải công nghiệp bất hợp pháp (các khu hẻo lánh, xa khu dân cư, khu vực giáp ranh...); chủ động xử lý hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công an tỉnh chủ động kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại theo thẩm quyền. Đồng thời, tăng cường giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao có phát sinh chất thải công nghiệp theo thẩm quyền; rà soát, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi chôn, lấp, đổ thải chất thải công nghiệp bất hợp pháp theo thẩm quyền (các khu hẻo lánh, xa khu dân cư, khu vực giáp ranh...); chủ động xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khuyến khích, kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp hiện đại
Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì tăng cường giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao có phát sinh chất thải công nghiệp trong các khu công nghiệp; chủ động đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sở Giao thông Vận tải chủ động kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp và chủ động xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại theo thẩm quyền; chủ động xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định chấp thuận để một đơn vị đầu tư dự án Nhà máy xử lý và tái chế chất thải Dung Ngọc tại lô số B9, khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 2,5ha với mục tiêu xử lý và tái chế chất thải nguy hại, gồm: xử lý bình ắc quy thải công suất 24 tấn/ngày, chì thô 150 tấn/ngày, bùn chứa chì, bụi chì 150-200 tấn/ngày, bóng đèn huỳnh quang 1,6 tấn/ngày và phế liệu nhôm, xỉ nhôm 150-200 tấn/ngày.
Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 195 tỷ đồng và thời hạn hoạt động dự án là 50 năm. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan đến ký quỹ đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, việc sử dụng hóa chất, nghĩa vụ thuế doanh nghiệp và thủ tục liên quan công nghệ theo quy định.
Vũ Minh
Bình luận