Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ sáu, 28/10/2022 13:10
TMO - Thời gian qua, cùng với việc huy động các nguồn lực tập trung phát triển cho các ngành kinh tế trên địa bàn, tỉnh Tây Ninh cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh, qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển bền vững.
Đối với phát triển công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có có 6 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha. Trong đó, có 5 khu công nghiệp đã được cấp phép thành lập và hoạt động, với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch là 3.385,19 ha.
Theo định hướng phát triển, giai đoạn 2021-2030, Tây Ninh cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động.
Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu, cụm công nghiệp tập trung. Dự kiến xây dựng các khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung với tổng công suất đến năm 2025 khoảng 132.960 m3/ngày đêm, sẽ tăng lên 263.062 m3/ngày đêm vào năm 2030. Tại mỗi khu công nghiệp tập trung phải được xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép xả thải ra nguồn tiếp nhận.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chú trọng xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu, cụm công nghiệp tập trung. Ảnh: BTN
Tại Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giai đoạn 2022-2030, địa phương này đặt mục tiêu giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Phát huy và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo. Đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến năm 2050, giảm 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế, chủ động công tác điều tra, kiểm kê, và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng mới, sử dụng công nghệ mới để sản xuất năng lượng tái tạo; đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm kiểm soát các nguồn thải, từ đó thúc đẩy triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, tỉnh Tây Ninh tập trung rà soát, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh, phù hợp mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia; tăng cường các điểm quan trắc, xây dựng một số trạm quan trắc tự động đối với nước mặt, không khí, với vị trí, tần suất, thông số quan trắc và các thành phần môi trường phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoàn thiện cơ sở trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác quan trắc môi trường; định hướng đầu tư trang thiết bị đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có phương pháp quan trắc phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường, bảo đảm thông tin thông suốt đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường. Gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tuân thủ các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quan trắc, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Xây dựng mạng lưới quan trắc của tỉnh phù hợp với mạng lưới quan trắc Quốc gia. Tiếp tục khai thác và kế thừa mạng lưới quan trắc của tỉnh qua các năm nhằm đảm bảo tính liên tục của hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, loại bỏ, tạm ngưng các vị trí quan trắc phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đến năm 2025, Tây Ninh thực hiện quan trắc 50 vị trí nước mặt, 51 vị trí nước dưới đất, 34 vị trí không khí, 20 vị trí môi trường đất và 7 vị trí thủy sinh, trầm tích. Đồng thời 6 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục, 2 trạm quan trắc không khí tự động liên tục. Đồng thời, 89 đơn vị do doanh nghiệp đầu tư thuộc đối tượng phải đầu tư quan trắc tự động nước thải và trên 200 điểm quan trắc cố định tại các doanh nghiệp (ngoài KCN, Khu chế xuất và Cụm công nghiệp) quan trắc hàng quý.
Trạm quan trắc môi trường nước mặt được đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước
Để công tác bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ TN&MT cần ban hành hướng dẫn thực hiện xây dựng chính sách xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện. Sở TN&MT cũng kiến nghị Bộ TN&MT đánh giá hiệu quả và hướng dẫn áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt.
Tăng cường và đa dạng hoá nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Xem xét đề xuất Chính phủ hỗ trợ các nguồn tài chính từ Trung ương hoặc ODA cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật về xử lý chất thải, xây dựng thêm một số trạm quan trắc nước mặt, không khí tự động liên tục; cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, các công trình thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Trong công tác tiếp nhận đầu tư, tỉnh phải kiên trì quan điểm chỉ tiếp nhận các dự án có thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường, bảo đảm khoảng cách với khu vực dân cư xung quanh và quy hoạch đô thị, khu dân cư, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Minh Phương
Bình luận