Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ ba, 20/02/2024 07:02
TMO - Để hạn chế nguồn thải phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của người dân và môi trường sinh sống, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn theo hướng chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải.
Thông tin từ UBND tịnh Nam Định cho biết, đánh giá tác động bởi các nguồn phát thải của địa phương cho thấy, chất lượng môi trường không khí (MTKK) của tỉnh nhìn chung đang ở mức khá tốt. Dù vậy, chất lượng MTKK có sự khác biệt giữa các khu vực trong tỉnh và có biến động theo mùa. Tại vài thời điểm ở một số vị trí, chất lượng không khí có dấu hiệu ô nhiễm bụi.
Ở đô thị, một số khu vực gần trục giao thông thành phố Nam Định vào giờ cao điểm có dấu hiệu ô nhiễm bụi mịn PM10, bụi PM2.5. Các khu vực gần trục giao thông có nồng độ các thông số TSP, bụi PM10, bụi PM2.5, SO2, NO2, CO cao hơn so với khu vực dân cư. Ở xung quanh các khu, cụm công nghiệp Hòa Xá, An Xá (thành phố Nam Định), Yên Xá (Ý Yên), Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực) có hàm lượng bụi cao hơn các khu vực khác. Môi trường không khí ở các làng nghề cơ khí có nồng độ các thông số SO2, NO2, CO và tiếng ồn cao hơn so với các làng nghề khác.
Tỉnh Nam Định đã phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 2772/QĐ-UBND ngày 19/11/2020, trong đó mạng lưới quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn gồm 94 điểm (khu vực làng nghề: 10 điểm; khu vực thành thị: 07 điểm; khu vực giao thông: 16 điểm; khu vực nông thôn: 05 điểm; khu vực khu công nghiệp: 09 điểm; khu vực cụm công nghiệp, nhà máy nhiệt điện: 47 điểm), tần suất quan trắc ít nhất 06 lần/năm.
Hiện tại, Nam Định đang thực hiện quan trắc tại 61 điểm, trong đó khu vực làng nghề 10 điểm, khu vực thành thị 07 điểm, khu vực giao thông 16 điểm, khu vực nông thôn 05 điểm, khu vực khu công nghiệp 03 điểm, khu vực cụm công nghiệp 20 điểm. Các điểm quan trắc được lựa chọn là các điểm đặc trưng cho khu vực đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp, khu vực làng nghề và nông thôn. Các chỉ tiêu quan trắc chính gồm các thông số vi khí hậu, CO, SO2, NO2, tổng bụi lơ lửng, bụi PM10, tiếng ồn. Tần suất quan trắc 06 lần/năm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu về Sở để theo dõi, giám sát. Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, các cơ sở phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Đến nay có 03/11 cơ sở đã lắp đặt và truyền dữ liệu về Sở. Các thông số quan trắc gồm: Lưu lượng, áp suất, nhiệt độ, O2, bụi, SO2, NOx, CO. Hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục đã đem lại một số hiệu quả thiết thực, chất lượng môi trường được cảnh báo kịp thời, ý thức của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, việc giám sát các nguồn thải lớn được thực hiện chặt chẽ.
Tỉnh Nam Định tăng cường công tác kiểm soát khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ảnh: NX.
Theo số liệu điều tra, kiểm kê, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 111 cơ sở sản xuất phát thải khí thải nguồn điểm thuộc 12 loại hình sản xuất: Sản xuất vải, sợi, dệt may (35 cơ sở); sản xuất, gia công giày da (03 cơ sở); sản xuất sắt, thép (02 cơ sở); sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa (03 cơ sở); sản xuất bia, nước giải khát có gas (02 cơ sở); sản xuất, chế biến lâm sản (02 cơ sở); tái chế, xử lý chất thải (43 cơ sở); sản xuất vật liệu xây dựng (11 cơ sở); sản xuất dược phẩm (05 cơ sở); chế biến thực phẩm (03 cơ sở); chế biến thủy sản (01 cơ sở); sản xuất, gia công nến (01 cơ sở).
Theo số liệu điều tra, thu thập về lưu lượng giao thông tại 42 đoạn đường đại diện cho 24 tuyến đường giao thông chính (gồm: 03 tuyến quốc lộ, 05 tuyến tỉnh lộ, 09 tuyến đường huyện và 07 tuyến đường đô thị), tỷ lệ xe lưu thông trên từng loại đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường huyện lần lượt như sau: Xe máy chiếm 47,8%, 80,56%, 85,05%, 82,65; xe ô tô < 9 chỗ chiếm 31,35%, 8,29%, 12,05%, 6,35%; xe ô tô < 3,5 tấn chiếm 9,25%, 6,16%, 1,83%, 6,93%; xe ô tô > 3,5 tấn chiếm 11,58%, 4,97%, 1,05%, 4,04%. Như vậy có thể thấy xe máy là phương tiện lưu thông chính trên từng loại đường đối với hoạt động giao thông đường bộ tại tỉnh Nam Định.
Phát thải khí thải nguồn diện trên địa bàn tỉnh Nam Định chủ yếu do các hoạt động: Chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; đốt sinh khối hở; xây dựng; làng nghề; chăn nuôi gia súc, gia cầm; đun nấu sinh hoạt. Trong đó các hoạt động đốt sinh khối hở, xây dựng, làng nghề là các nguồn chính phát thải các khí thải CO, SO2, NO2 và bụi PM10, PM2,5. Năm 2022, phụ phẩm từ một số loại cây trồng chính phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh ước tính khoảng 1.500.648 tấn, trong đó lớn nhất là cây lúa với 1.312.175 tấn, các loại khác như: cây lạc 34.435 tấn, cây ngô 21.505 tấn, các loại rau 131.955 tấn. Phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ củ quả,…) một phần được để lại ruộng (cày vùi), tái chế, tái sử dụng (làm nấm, ủ phân hữu cơ,…); một phần được người dân đốt tại ruộng sau khi thu hoạch (chiếm khoảng 5%) hoặc vứt xuống kênh mương, gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động thi công các công trình xây dựng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, vận chuyển nguyên vật liệu, phế thải xây dựng diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Hoạt động xây dựng phát sinh chủ yếu là bụi từ quá trình đào lấp đất, phá dỡ công trình cũ, vận chuyển vật liệu xây dựng bị rơi vãi.
Các làng nghề đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với các loại hình sản xuất như: Sản xuất cơ khí, tái chế nhựa, chế biến thực phẩm, mây tre đan, sản xuất đồ gỗ,… Trong đó nhóm làng nghề sản xuất cơ khí (gia công, tái chế kim loại), tái chế nhựa là những nhóm có nguy cơ ô nhiễm không khí cao hơn so với các nhóm làng nghề khác. Một số làng nghề sản xuất cơ khí có mức độ phát thải khí thải cao như làng nghề Bình Yên tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực; làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực; làng nghề Tống Xá tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên. Quá trình đốt nhiên liệu và quá trình sản xuất như đúc, cán, mạ,… phát sinh các khí gây ô nhiễm môi trường như bụi, CO, SO2, NO2,… Hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề chưa có biện pháp thu gom, xử lý khí thải, khí thải được xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động.
Xử lý rác thải hiệu quả, hạn chế phát sinh khí thải là nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh yêu cầu triển khai. Ảnh: TP.
Để hạn chế nguồn thải phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của người dân và môi trường sinh sống, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng MTKK trên địa bàn tỉnh theo hướng chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải.
Cụ thể là ưu tiên kiểm soát tại khu vực thành phố Nam Định, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề phát sinh nhiều khí thải. Kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ; từng bước chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh học, điện cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Kiểm soát các nguồn khí thải công nghiệp thuộc các loại hình sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, tái chế chất thải; đảm bảo 100% cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát; 100% cơ sở xả khí thải phải có hệ thống xử lý, đảm bảo khí thải phát sinh được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả thải; không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm MTKK nghiêm trọng.
Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp; hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt đốt phế phẩm nông nghiệp tự phát sau thu hoạch; 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn có công trình xử lý chất thải đảm bảo quy định; 100% công trình xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công và vận chuyển nguyên vật liệu.
Để nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải đạt kết quả cao, thời gian tới, các ngành, các địa phương sẽ phát huy đồng bộ các giải pháp thiết thực đã áp dụng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật khuyến khích người dân, doanh nghiệp bảo vệ MTKK. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về quản lý chất lượng MTKK. Không ngừng nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo ô nhiễm MTKK.
Chú trọng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, thi công, vận tải; chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực, cải tiến đổi mới quy trình, trang thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý khí thải đảm bảo không gây ô nhiễm không khí; thường xuyên quan trắc, giám sát khí thải. Tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu, nhiên liệu để tăng cường hiệu quả của các quá trình sản xuất công nghiệp; sử dụng nhiên liệu từ sinh khối, năng lượng tái tạo thay thế cho các dạng năng lượng hóa thạch (than đá, dầu FO...); tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn. Đối với nguồn thải lớn, phải thực hiện đầu tư hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất UBND tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch; xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cho giai đoạn tiếp theo.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh; văn bản hướng dẫn ứng phó, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng; lộ trình thực hiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Thực hiện chương trình quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh theo mạng lưới quan trắc môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt; rà soát, cập nhật mạng lưới quan trắc môi trường phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục tại các khu vực KCN, CCN, làng nghề, các điểm nóng ô nhiễm môi trường không khí; xây dựng đồng bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí. Đôn đốc các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành lắp đặt và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Theo dõi, giám sát dữ liệu quan trắc khí thải tự động, liên tục của các cơ sở truyền về để nắm bắt, phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh...
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; vận động, hướng dẫn các hộ dân thực hiện các biện pháp xử lý chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ; không đốt chất thải lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Quản lý, vận hành các lò đốt, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định và bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện quy trình đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt đã lấp đầy...
Minh Trang
Bình luận