Hotline: 0941068156

Thứ năm, 26/12/2024 23:12

Tin nóng

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Trên 20 cây cổ thụ ở vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam

25 tác phẩm xuất sắc được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thứ năm, 26/12/2024

Tăng cường hoạt động bảo tồn hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm

Thứ bảy, 07/12/2024 06:12

TMO - Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam với đa dạng sinh học cả rừng và biển, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Tuy nhiên hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người, hệ sinh thái của vùng biển Cù Lao Chàm đang đứng trước nhiều nguy cơ bị suy giảm và xâm hại. Do đó cần tăng cường các hoạt động bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên này.

Cù Lao Chàm được biết đến là nơi được thiên nhiên ban tặng cảnh quan độc đáo và sự đa dạng sinh học vô cùng nổi bật. Với nhiều hệ sinh thái quan trọng, bao gồm hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái nông nghiệp trên đảo, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, hệ sinh thái bờ triều – vùng đá,…tất cả những hệ sinh thái này được liên kết để hình thành hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển, biển – vùng bờ.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An) hiện có 23.500ha, trong đó diện tích biển 21.888ha là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao. Nơi đây còn có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào Sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.

Tuy nhiên thời gian gần đây, hệ động, thực vật của vùng biển Cù Lao Chàm đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng. Đơn cử như loài  cua đá Cù Lao Chàm là động vật biển nhưng sống ở rừng, trong thời gian sinh sản chúng di chuyển xuống biển duy trì nòi giống, vì thế được xem là “cầu nối” giữa biển với rừng, đồng thời là sinh vật chỉ thị cho sức khỏe của hai hệ sinh thái biển và rừng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Theo kết quả quan trắc cua đá tại Cù Lao Chàm từ năm 2021 đến năm 2023 cho thấy, năm 2023 giảm 33% so với năm 2021 với số lượng cá thể ước tính là 19.628 cá thể, trong đó khu vực Hòn Dài giảm nhiều nhất (72,4%). Từ số liệu trên cho thấy, cua đá tại Cù Lao Chàm đang trong tình trạng vô cùng báo động.

Cùng với thực tế quan trắc và tham vấn cộng đồng đã cho thấy mô hình quản lý cua đá tại Cù Lao Chàm đang gặp phải nhiều thiếu sót dẫn đến chưa thể kiểm soát việc khai thác cua đá một cách đồng bộ và chặt chẽ. Cùng với cua đá thì tôm hùm (một trong các đối tượng tài nguyên mục tiêu tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cũng đang bị khai thác quá mức dẫn đến hệ lụy tất yếu là nguồn lợi bị suy giảm, sinh cảnh tự nhiên bị tác động mạnh trên diện rộng, đặc biệt là tại các vùng rạn san hô.

Bên cạnh các yếu tố như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường cảnh quan, biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái, và cả những bất cập về cơ chế trong hoạt động điều phối, trong quy hoạch, nuôi trồng thủy sản, các dự án phát triển du lịch, giao thông trên đảo, thì Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đang đứng trước nguy cơ suy giảm các loài đặc hữu 1 cách đáng báo động.

Trong đó có các thảm cỏ, các rạn san hô; đặc biệt là loài cua đá - 1 loài đặc hữu điển hình của Cù Lao Chàm đang trên đà suy kiệt. Một trong các hệ sinh thái này nếu biến mất dù với bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng một cách trực tiếp đến hệ sinh thái biển và đại dương, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người, đặc biệt với cộng đồng sống dựa vào biển. Cùng với việc bảo vệ các loài động vật như cua đá,  thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với ngành chức năng, địa phương thực hiện dự án phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam có sự đa dạng sinh học cả rừng và biển. (Ảnh: Internet).

Dự án đã thực hiện 6 đợt “chuyển vị” trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về bãi ấp nở tại Cù Lao Chàm với số lượng 1.900 trứng. Các đợt thả rùa con sau ấp nở về biển thành công. Đáng chú ý, ứng dụng “công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng” đã xây dựng được 2 vườn ươm san hô với 30 khung được thiết lập và 2 vùng san hô được phục hồi với tổng diện tích 4.000m2.

Đây là cấu phần quan trọng góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển rạn san hô Cù Lao Chàm. Độ phủ tại một số khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và ươm tạo để phục hồi như bãi Hương, bãi Bắc từ 8% tăng lên 56%. Lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông tin, việc giáo dục và truyền thông là những ưu tiên hàng đầu kể từ khi Khu bảo tồn biển được thành lập. Tất cả cư dân trên đảo, từ học sinh đến ngư dân và chủ doanh nghiệp, đều được giáo dục về bảo vệ môi trường biển và trách nhiệm của họ với tư cách là người dân đảo địa phương.

Nhiều chương trình dành riêng cho học sinh - thế hệ chính của chúng ta cho sự phát triển trong tương lai - giúp các em hiểu được tầm quan trọng về bảo tồn biển, chẳng hạn như các cuộc thi viết, cuộc thi vẽ tranh và trại hè. Hầu hết người dân đảo Cù Lao Chàm đều nhận thức được về bảo tồn biển và các hoạt động thân thiện với môi trường.

Khu bảo tồn biển cũng thường xuyên hợp tác với các viện, trường đại học và tổ chức để tổ chức các buổi tập huấn cập nhật kiến thức về bảo vệ biển cho cộng đồng. Một trong những sáng kiến thành công nhất của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là giúp cộng đồng chuyển đổi sang các sinh kế mới.

Đến nay, đã có hơn 500 người dân địa phương trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch với hơn 12 loại hình sinh kế mới. Thu nhập được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện là động lực để người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo.Việc áp dụng mô hình đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển bền vững tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Cho đến nay, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được biết đến là một trong những hình mẫu về bảo tồn và phát triển trong hệ thống mạng lưới Khu bảo tồn biển của Việt Nam. Không những đảm bảo tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, các giá trị đa dạng sinh học, mà còn thúc đẩy và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xanh, kinh tế bảo tồn tại địa phương, đặc biệt sinh kế cho cộng đồng. Sự quản lý hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học, duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch trong thời gian qua, đem lại giá trị kinh tế nhằm tạo nguồn lực để tái đầu tư cho bảo tồn và phát triển bền vững kinh tế địa phương.

 

Thái Sơn

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline