Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ hai, 22/08/2022 12:08
TMO - Nhằm tạo ra những chuyển biến trong thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, tới đây thành phố sẽ tăng cường giám sát về vấn đề thoát nước, xử lý nước thải.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn giám sát của HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố vừa chủ trì họp đoàn chuẩn bị cho đợt giám sát tại các đơn vị.
Theo kế hoạch, đợt giám sát này nhằm đánh giá tình hình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố (bao gồm nước thải đô thị, nước thải khu công nghiệp, nước thải cụm công nghiệp, nước thải tại làng nghề), kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện các quy định pháp luật và các chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy.
HĐND thành phố Hà Nội tăng cường công tác giám sát về vấn đề thoát nước và xử lý nước thải
Qua giám sát sẽ đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền những biện pháp khắc phục tồn tại, khó khăn nhằm thực hiện đúng, hiệu quả các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, đoàn giám sát sẽ tập trung vào một số nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố; tình hình thoát nước và xử lý nước thải đô thị, nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nước thải tại làng nghề; thực trạng thoát nước hiện nay, tập trung nêu, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch thoát nước Thủ đô,…
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng được lựa chọn để HĐND thành phố giám sát. Do đó công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng từ báo cáo đến hồ sơ phục vụ đoàn giám sát; đảm bảo đoàn giám sát sẽ đánh giá kỹ kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, vướng mắc để đưa ra giải pháp phù hợp, thiết thực.
Hội đồng nhân dân thành phố giao Ban Đô thị tiếp tục chủ trì tổng hợp nội dung chuẩn bị chu đáo cho đợt giám sát, dự kiến sẽ kết thúc đợt giám sát trước ngày 5/9/2022. Mục đích cao nhất là tìm ra, đưa ra được vấn đề và tạo chuyển biến đối với việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Đến thời điểm này, hệ thống thoát nước của Hà Nội mới cơ bản bảo đảm tiêu thoát nước được khoảng 6,1% phân vùng tiêu thoát nước Thủ đô; còn hệ thống thu gom và xử lý nước thải cũng mới xử lý được 28,8% khối lượng nước thải.
Cụm công trình xử lý nước thải Yên Sở. Ảnh: Dạ Khánh
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, thành phố có 3 phân vùng tiêu thoát nước chính (rộng 125.400ha) là: Tả Đáy (gồm nguồn xả là các sông: Hồng, Nhuệ, Đáy); hữu Đáy (các sông: Tích, Bùi, Đáy) và Bắc Hà Nội (các sông: Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê).
Tuy nhiên đến nay, mới có lưu vực sông Tô Lịch (rộng 7.750ha) - một trong 6 lưu vực thuộc vùng tả Đáy, được đầu tư hệ thống thoát nước cơ bản hoàn chỉnh, có thể bảo đảm tiêu thoát nước cho 8 quận nội thành với cường độ mưa 310mm/2 ngày.
Về hệ thống thu gom, xử lý nước thải, hiện trên địa bàn thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý 276.300m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi, góp phần tiêu thoát nước đô thị thành phố.
Mai Thanh
Bình luận