Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ ba, 13/09/2022 20:09
TMO - Các chuyên gia bảo tồn cho rằng giải pháp cấp thiết với công tác quản lý động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay là cần ban hành Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.
Thông tin tại Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam”, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 9000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép.
Theo kết quả khảo sát của ENV tại 26 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có quy mô lớn trong năm 2014-2015, toàn bộ các cơ sở này đều có dấu hiệu nhập lậu động vật hoang dã ở những mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về động vật hoang dã cũng đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trong thời gian qua.
Lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn
Gần đây nhất ENV đã ghi nhận một khối lượng rất lớn động vật hoang dã, khoảng gần 30 tấn, được vận chuyển từ các cơ sở tại miền Nam đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ trong thời gian hơn 10 ngày, nhiều khả năng phần lớn các cá thể động vật hoang dã của lô hàng này đã bị săn bắt từ tự nhiên, qua nhiều quy trình đã trở thành động vật hoang dã có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi được cấp phép.
Cũng theo đại diện ENV, những đối tượng buôn lậu có thể dễ dàng mua giấy tờ từ cơ sở nuôi đã được cấp phép để chứng minh động vật hoang dã được vận chuyển có nguồn gốc hợp pháp. Nhiều cơ sở đã và đang nuôi nhốt động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng hay nuôi các loài không phải là loài đã được cấp phép nuôi.
Nhận định cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã trên cả nước còn lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đã tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng hợp pháp hóa động vật bất hợp pháp, giới chuyên gia bảo tồn cho rằng giải pháp cấp thiết với Việt Nam hiện nay là cần ban hành “Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại” để đảm bảo công tác quản lý.
Các chuyên gia bảo tồn cho rằng giải pháp cấp thiết với Việt Nam hiện nay là cần ban hành “Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại” để đảm bảo công tác quản lý.
Với quy trình cấp phép đơn giản, nhanh chóng, cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học.
Chủ cơ sở nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi, danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi. Cùng với đó, Danh mục động vật hoang dã được phép gây nuôi thương mại sẽ được cập nhật hàng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, đảm bảo tạo điều kiện cho người nuôi.
Ông Nguyễn Quảng Trường, chuyên gia thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, việc ban hành một danh mục động vật hoang dã được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kỳ vọng có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã; loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa; đơn giản hóa đáng kể các thủ tục cho cả người nuôi và cơ quan quản lý trên toàn quốc.
Về lâu dài, giải pháp này cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài động vật hoang dã, đồng thời cho phép người dân phát triển kinh tế, tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.
Để phát triển bền vững nghề gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo các yếu tố như: Quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi; đánh giá và dự báo thị trường; hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro; quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại bao gồm các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.
Thu Minh
Bình luận