Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ tư, 02/11/2022 03:11
TMO - Nhằm duy trì sản xuất ổn định đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Nghệ An tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hại như bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, với quy mô sản xuất khoảng 370.000 ha cây trồng các loại, mỗi năm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng 300-400 tấn/năm, tương đương với khoảng 25-30 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị thải ra môi trường. Theo ước tính, chỉ có khoảng 40% lượng thuốc phun xuống đồng ruộng là tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh, hơn 50% còn lại tồn dư trong bao bì, bay vào không khí, nhất là bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ và trầm tích ở đáy sông, kênh, rạch.
Quy mô sản xuất nông nghiệp lớn dẫn đến lượng bao bì thuốc BVTV bị thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh cao. Ảnh: Quang An
Nhằm hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng môi trường trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thời gian qua Nghệ An đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng.
Theo đó, từ năm 2017 đến 2021, Nghệ An xây dựng được 4.134 bể tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương và Yên Thành. Tính đến tháng 3/2022, địa phương này đã có 15.536 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng từ sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, với diện tích gần 154.000 ha đất sản xuất lúa, rau màu và cây ngắn ngày có thể đặt bể thu gom, thì để đảm bảo yêu cầu theo quy của Liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài nguyên - Môi trường, Nghệ An phải xây dựng được 51.330 bể. Như vậy, địa phương này vẫn còn thiếu đến 35.794 bể chứa. Năm 2022, Nghệ An tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1.667 bể thu gom tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Đô Lương, theo quy định, tổng lượng bể cần đặt cho diện tích cây trồng hàng năm của huyện là 2.991 bể. Năm 2020, huyện được hỗ trợ xây dựng 873 bể thu gom từ chương trình của tỉnh. Đến nay, toàn huyện Đô Lương có 1.011 bể chứa, thiếu 1.980 bể. Trong năm 2022, huyện Đô Lương tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 555 bể chứa.
Yên Thành là một trong những huyện trọng điểm về sản xuất lúa của Nghệ An. Toàn huyện có hơn 44.000 ha đất nông nghiệp, trong đó, có trên 13.200 ha đất lúa, tổng diện tích lúa chiếm tới trên 10% cả tỉnh. Nếu đáp ứng đúng quy định về đặt bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, tổng lượng bể cần đặt tại vùng trồng lúa của huyện Yên Thành là 4.400 bể. Tính đến tháng 3 năm nay, đã lắp đặt được 1.504 bể, như vậy, nhu cầu bể còn lại là rất lớn, còn thiếu 2.896 bể.
Các địa phương chú trọng nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV. Ảnh: Minh Thái
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp để từng bước thay đổi thói quen vứt bỏ bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng của người sản xuất. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống bể thu gom, đơn vị đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật đối với 06 điểm tại các địa phương Yên Thành, Đô Lương, Nghĩa Đàn và Con Cuông. Mục tiêu của việc phê duyệt Phương án là để hoàn thành việc xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và quản lý bền vững tại 06 điểm tồn lưu hóa chất BVTV thuộc Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hóa chất BVTV tồn lưu cho nhân dân địa phương và môi trường xung quanh, đảm bảo phát triển bền vững.
Xuân Hoàng
Bình luận