Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Chủ nhật, 31/07/2022 12:07
TMO - Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang đặt ra những thách thức về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đối với địa phương này.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, toàn tỉnh có 2 KCN, với tổng diện tích quy hoạch là hơn 657 ha (KCN Hòa Phú 181 ha, mở rộng thêm 150 ha và KCN Phú Xuân 325,6 ha).
Còn theo Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 có 15 CCN, với tổng diện tích hơn 551 ha; giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung thêm 9 CCN, với tổng diện tích hơn 662 ha. Trong năm 2021, bổ sung quy hoạch thêm CCN Hòa Sơn (huyện Krông Bông), với diện tích hơn 16,6 ha.
Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp đòi hỏi tỉnh Đắk Lắk cần có kế hoạch xử lý chất thải rắn công nghiệp hiệu quả. Ảnh: Hoàng Gia
Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động; có 166 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất 266,2 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 225,5 ha, tỷ lệ lấp đầy 76% diện tích.
Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp giữ vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng quá tải về việc xử lý môi trường, trong đó có vấn đề xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến được các đơn vị tự hợp đồng với đơn vị thu gom theo hình thức:
Đối với chất thải công nghiệp có thể tái chế hoặc sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất khác thì được chuyển giao theo hợp đồng mua bán phế liệu; đối với chất thải không còn tính hữu ích (không còn khả năng tái chế, tái sử dụng) thì được chuyển giao cho đơn vị xử lý chất thải công nghiệp để xử lý.
Tuy nhiên, với lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh mỗi ngày đang gia tăng nhưng các cụm công nghiệp chưa xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, dẫn đến công tác quản lý, xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với trung bình mỗi ngày tổng lượng nước thải các khu, cụm công nghiệp thải ra môi trường trên 1.000 m3 nhưng hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp phải tự đầu tư công trình xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm có khả năng xảy ra.
UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh nhằm xử lý hiệu quả nguồn thải này.
Trước những áp lực đối với hệ thống xử lý chất thải rắn công nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định số 27/2022QĐ-UBND về Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; giao trách nhiệm cho các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh trong phạm vi quản lý của đơn vị có liên quan đến chất thải công nghiệp, chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk chủ trì, nghiên cứu, xây dựng và đề xuất UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của các doanh nghiệp, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý nước thải của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải của các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp.
Sở Công thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường, tổ chức phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định.
Hồng Lê
Bình luận