Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ tư, 28/09/2022 04:09
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cơ quan kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã trong mùa chim di cư.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay đã đến mùa chim di cư (khoảng từ đầu tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau), dự báo tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại các địa phương sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, thời gian qua, công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ loài chim hoang dã mùa di cư
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cơ quan kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.
Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương triển khai, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang đã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định. Cơ quan thú y và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tăng cường theo dõi, phát hiện, xử lý các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.
Lực lượng chức năng các địa phương thu giữ que bẫy bằng keo, chim mồi giả trên các cánh đồng
Lào Cai là tỉnh có nhiều loài chim hoang dã quý hiếm ở vùng tiểu khí hậu á nhiệt đới trên dãy núi Hoàng Liên. Đây cũng là vùng biên giới tiếp giáp với vùng tây nam Trung Quốc nên mùa đông hàng năm có rất nhiều loài chim xứ lạnh di cư về trú đông hoặc tạm dừng trước khi bay tiếp về phía nam. Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai có nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn các loài chim hoang dã và chim di cư mùa đông trên địa bàn tỉnh biên giới Lào Cai.
Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chỉ đạo các cơ quan Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường... phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn.
Vườn quốc gia Hoàng Liên triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư bao gồm bảo vệ môi trường sống, tuyến đường di cư, điểm dừng chân của chúng; rà soát các vị trí, địa điểm các loài chim hoang dã di cư dừng chân để phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, các vùng chim di cư đến địa phận được giao quản lý.
Các địa phương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh, vận chuyển, chế biến trái phép các loài chim hoang dã. Ảnh: Lê Phong
Tại Thanh Hóa, bước vào mùa chim di cư nhiều khu vực bãi bồi, đầm nuôi trồng thủy sản, các cánh đồng lúa, rừng ngập mặn ven biển ở một số huyện trọng điểm, như Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Nghi Sơn... đã xuất hiện các loài chim hoang dã, chim di cư. UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng thường xuyên kiểm tra, thu gom dụng cụ, lưới bẫy bắt chim; kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi chế biến, kinh doanh, sử dụng trái phép động vật rừng và các loài chim hoang dã.
Tổ chức cho các hộ dân sống trong và ven rừng, trong các khu vực chim di cư (cánh đồng lúa, bãi bồi ven biển, rừng ngập mặn ven biển...) ký cam kết bảo vệ, không tham gia bẫy bắt, buôn bán, kinh doanh chim hoang dã, chim di cư. Kiểm soát tình trạng bày bán trái phép tại nhà, vận chuyển để bán dọc các tuyến đường, tuyến phố, tại các khu vực thị tứ, thị trấn.
Riêng khu vực 11 huyện miền núi, các lực lượng đã tập trung kiểm soát người ra vào rừng nhằm ngăn chặn các hành vi săn bắn, bẫy bắt chim. Thường xuyên kiểm soát các khu vực được xác định là tụ điểm thu gom, phân phối chim hoang dã, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép các loài chim.
Tại Hà Tĩnh, bước vào mùa chim di cư tránh bão, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ các đàn cò, cói, vạc, chèo bẻo, vàng anh, hoét, dạt... Tại các xã ven biển nằm ở đầu luồng chim di cư từ biển vào đất liền thuộc các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Lộc Hà đều tập trung vào cuộc. Tại các cánh rừng bao quanh vùng lòng hồ lớn, có lượng chim di cư trú ngụ đông như: Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Kẻ Gỗ, Sông Trí... cũng được chủ rừng và các lực lượng chức năng hết sức quan tâm.
Cùng với đó, toàn lực lượng đã chủ động triển khai sâu rộng, đồng bộ, liên tục các biện pháp, giải pháp từ nâng cao nhận thức đến ngăn chặn đánh bắt, trực tiếp răn đe, kiểm soát tiêu thụ (chợ, nhà hàng)... để hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn cho các loài chim di cư.
Lê Hồng
Bình luận