Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 19/08/2022 11:08
TMO - Xác định vai trò của rừng trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sinh kế cũng như bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, thời gian qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị đặc biệt là các Hạt Kiểm lâm, các địa phương tiếp tục nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm hoàn thành hiệu quả những mục tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Tại báo cáo về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và và phát triển rừng 7 tháng của năm 2022, Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết, thời gian qua số vụ vi phạm đã giảm 48%, giảm tương đương 146 vụ; lâm sản thiệt hại gỉam 346,9 m3, tương đương giảm 346,9 m3.
Công tác trồng rừng, trồng cây phân tán cũng tiếp tục được các địa phương, các cấp, các ngành đẩy mạnh tổ chức thực hiện. Thực hiện Đề án "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, là cơ sở để ổn định cơ cấu, phát triển lâm nghiệp, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giải quyết đất sản xuất cho người dân tại các khu vực phù hợp trong thời gian tới, góp phần nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng tiếp tục phát huy hiêu quả và đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của lực lượng nhận khoán và Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho một số hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; đặc biệt là các hộ dân sống gần rừng, ven rừng, các hộ dân vùng giáp ranh.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các địa phương đẩy mạnh phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: H. Sa
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng báo cáo những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua. Theo đó, tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng với một số vụ phức tạp, diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 9,3 ha, tương ứng 50%; số vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm còn ở mức khá cao, chiếm 28%; điển hình như các địa phương Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lộc, Đức Trọng…
Một số chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng vẫn còn dấu hiệu cho thấy thiếu tích cực, thiếu quyết liệt, chưa chủ động, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo các quy định hiện hành; các chủ rừng chưa sử dụng hiệu quả lực lượng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng để thực hiện công tác tuần tra quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng chưa hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; do đó, chưa có cơ sở xem xét thẩm định các dự án xin thuê môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai thác thông tin về mùa vụ trồng rừng, phòng trừ sâu bệnh; tuyên truyền, phổ biến và thực hiện kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh…
Chi cục Kiểm lâm cũng tổ chức triển khai, thực hiện phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đến với người dân. Theo số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 103 cuộc/7.401 lượt người tham gia, ký 3.459 bản cam kết bảo vệ rừng. Ngoài ra, các đơn vị còn tiếp tục duy trì việc tuyên truyền lưu động theo chuyên đề về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND tỉnh quyết liệt xử lý những hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Ảnh: Lâm Viên
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 75/KH-SNN về việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, trồng 50 triệu cây xanh năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện trồng được 2.969.462 cây các loại (đạt 45,13% so với kế hoạch được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch 2209 và đạt 30,85% so với kế hoạch của các địa phương đã xây dựng).
Cùng với công tác quản lý của các Sở, ngành chức năng, thời gian qua các địa phương cũng tăng cường phối hợp trong công tác quản lý rừng tại các khu vực giáp ranh. Vừa qua, UBND huyện Lâm Hà đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh với huyện Đam Rông và huyện Lạc Dương. Qua đó, giúp các địa phương chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh
Theo đó, lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và UBND các xã khu vực giáp ranh xác định cụ thể những khu vực, vị trí trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, vi phạm Luật Lâm nghiệp; những khu vực, các đối tượng tàng trữ lâm sản, nuôi nhốt động vật rừng trái pháp luật trong khu dân cư để có kế hoạch triệt phá. Đồng thời, thông báo, thông tin kịp thời cho nhau biết để mỗi bên chủ động trong việc phối hợp, tổ chức truy quét, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý…Việc kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng vùng giáp ranh được thực hiện theo địa giới hành chính cấp xã, huyện quản lý.
Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ góp phần hỗ trợ lực lượng kiểm lâm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng
Giải quyết tình trạng lấn, chiếm đất rừng: các đơn vị chủ rừng phối hợp các xã vùng giáp ranh rà soát, xác định số hộ dân xâm canh, diện tích xâm canh lấn chiếm của từng hộ, cho ký cam kết không tiếp tục lấn chiếm mở rộng diện tích canh tác… Để công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa hai huyện đạt hiệu quả cao, hàng quý, 6 tháng, UBND các huyện báo cáo tình hình, kết quả công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh của huyện mình gửi cho các bên liên quan.
Nhằm tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị thời gian tới, lực lượng kiểm lâm cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, tập trung tuyên truyền có chiều sâu và phổ biến sâu rộng Luật Lâm nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10 của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Đồng thời, phối hợp giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phấn đấu trong năm 2022 này, phải giảm 20% trở lên và diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2021; số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm giảm dưới 15% và đặc biệt sẽ tiếp tục đôn đốc chủ rừng trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Lâm
Bình luận