Hotline: 0941068156
Thứ năm, 13/02/2025 23:02
Thứ năm, 13/02/2025 12:02
TMO - Những năm qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam phát triển khá ổn định. Cùng với việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành chức năng cùng các địa phương chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, toàn tỉnh có khoảng 750 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 14 trang trại chăn nuôi quy mô hơn 1.500 con lợn thịt được phê duyệt hồ sơ môi trường. Theo ngành chức năng, các trang trại này nằm ở khu chăn nuôi tập trung và có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm quy định, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Trang trại của anh Lê Văn Kiên (xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý) có quy mô 80 – 120 con lợn nái. Toàn bộ số lượng lợn giống được anh Kiên chuyển sang nuôi lợn thịt theo quy trình khép kín. Từ năm 2020, tham gia Đề án “Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2022”, anh Kiên được tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học. Qua đó, anh áp dụng đầy đủ kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi giúp kiểm soát tốt môi trường, dịch bệnh, tăng năng suất trong chăn nuôi lợn nái.
Các địa phương chú trọng xử lý chất thải hiệu quả, hạn chế tác động tới môi trường.
Trang trại của bà Bùi Thanh Loan (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) có diện tích 1,2 ha. Trên diện tích này, gia đình bà xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt có quy mô 40 nái, 400 lợn thịt; đồng thời, nuôi khoảng 10.000 vịt thịt theo hướng công nghiệp. Áp dụng chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bà Loan đã cải tạo hệ thống chuồng trại, như: Làm mới hệ thống cấp nước uống cho lợn, cải tạo máng ăn cho lợn hợp vệ sinh, bổ sung hệ thống làm mát chuồng trại, làm nơi vệ sinh, khử trùng thiết bị chăn nuôi; khay khử trùng ở cửa ra vào mỗi ô chuồng, khơi thông cống rãnh, dọn dẹp vệ sinh toàn bộ khu trang trại; bổ sung quy trình chăn nuôi, lịch tiêm vắc – xin phòng bệnh...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chăn nuôi hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ hình thành trước năm 2020, tất cả đều nằm xen trong khu dân cư. Mặc dù, các trang trại này đều đã xây dựng hầm biogas, hồ sinh học, sử dụng đệm lót sinh học nhưng thực tế mật độ chăn nuôi lớn, thể tích chưa đạt yêu cầu, vì vậy vẫn xảy ra tình trạng chất thải không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp. ụ thể các cấp, ngành tiến hành rà soát số hộ, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn quản lý và phân loại theo quy mô chuồng trại để yêu cầu chủ hộ, doanh nghiệp có biện pháp xử lý chất thải, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời những trang trại gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy trình, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi mới, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp đã khuyến khích các trang trại xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, tái sử dụng chất thải để sản xuất phân bón và hỗ trợ mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các địa phương phổ biến sổ tay hướng dẫn thực hiện biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tháng 10/2024.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về chăn nuôi, bảo vệ môi trường; đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với trang trại quy mô lớn khi có đề nghị của chủ cơ sở; tổ chức kiểm tra điều kiện về trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ (tần suất 3 năm một lần) theo quy định của Luật Chăn nuôi. Trong quá trình kiểm tra kết hợp với hướng dẫn, phổ biến biện pháp xử lý môi trường, yêu cầu cơ sở bổ sung biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và xử phạt hành chính những vi phạm theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường đối với trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn và phối hợp, hướng dẫn chủ cơ sở có phương án thu gom, xử lý chất thải, nước thải phát sinh trước khi xả thải ra môi trường. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức ra quân khơi thông cống rãnh và triển khai ký cam kết với hộ chăn nuôi không xả chất thải, nước thải, vứt xác động vật chết ra môi trường; thu gom xử lý chất thải trong chăn nuôi và chôn lấp xác động vật chết bảo đảm môi trường; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với những trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường theo đúng thẩm quyền và quy định.
Các hộ dân ngày càng chú trọng đến chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Hiện nay tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm duy trì, giữ vững, trong đó, đàn lợn gần 370 nghìn con; trâu, bò (gồm cả bò sữa) khoảng 37 nghìn con; đàn gia cầm 8,9 triệu con… Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 96,5 nghìn tấn. Cùng với những giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành chức năng tỉnh cùng các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, trong năm 2024 Sở NN&PTNT đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều mô hình, áp dụng nhiều giải pháp có hiệu quả để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực phụ trách.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho 720 hộ nông dân áp dụng các Quy trình: chăn nuôi an toàn sinh học; chăn nuôi theo VietGAHP; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; Quy trình ủ phân và xử lý chuồng trại bằng chế phẩm sinh học EM-BIO; Quy trình vận hành, sử dụng, bảo dưỡng công trình khí sinh học; Quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học EM, Biocatalys phối trộn vào thức ăn; Quy trình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi...
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 10 ngàn hộ xử lý chất thải bằng hầm biogas với trên 15.000 công trình khí sinh học, trên 75% tổng số hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi (như sử dụng chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ ...); trên 3.000 hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng nền đệm lót sinh học, tổng diện tích khoảng 35 nghìn m2 chuồng trại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đang áp dụng công nghệ tách nước trong phân và tái sử dụng nước để giảm thiểu lượng nước thải phát sinh.
Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, điều kiện vệ sinh thú y và việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của trang trại chăn nuôi tập trung, các cơ sở giết mổ. Tiến hành kiểm tra tại 06 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm, Kim Bảng, thị xã Duy Tiên và đánh giá định kỳ 01 cơ sở chăn nuôi nuôi lợn quy mô lớn tại huyện Lý Nhân, kiểm tra điều kiện đối với 15 cơ sở buôn bán thuốc thú y; kiểm tra đánh giá và đánh giá định kỳ 06 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường thuỷ sản theo đúng quy định.
Tổ chức lấy 45 mẫu (nước tiểu, thịt lợn, gia cầm) của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và kinh doanh để kiểm tra các chất cấm và tồn dư trong chuỗi cung ứng sản phẩm động vật và đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước dùng trong chăn nuôi, cơ sở giết mổ...
Thời gian tới, để quản lý chặt chẽ nguồn xả thải từ các trang trại chăn nuôi lợn, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, về phía các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thường xuyên kiểm tra giám sát và lắp đặt, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường.
Đức Kiên
Bình luận