Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 04/09/2022 11:09
TMO - Để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, tăng cường công tác bảo vệ môi trường với hoạt động chế biến nông sản, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị cấp nước tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ môi trường, nguồn nước với hoạt động chế biến nông sản.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản số 3295/UBND-KT, về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh niên vụ 2022-2023.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh ông Hoàng Quốc Khánh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì các Tổ công tác để tổ chức kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật đối với các cơ sở có xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến nông sản (Cà phê, tinh bột Sắn, mía đường, Rong riềng) chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trực tiếp ra ngoài môi trường.
Đồng thời, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ tiến hành lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) và truyền dữ liệu hình ảnh về cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường để thực hiện theo dõi, giám sát.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến nông sản có phát sinh nước thải nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn.
UBND tỉnh yêu cầu cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lắp camera giám sát khu vực xử lý chất thải. Ảnh: Nguyễn Nga
Các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi thực hiện đầy đủ điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguồn nước theo quy định của pháp luật và có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Có phương án, lộ trình di chuyển các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước vào các Cụm công nghiệp trên địa bàn để thực hiện việc kiểm tra giám sát
Về các nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh giao Sở TN&MT đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất. Tổ chức ký cam kết với các cơ sở chế biến cà phê, tinh bột sắn, mía đường quy mô tập trung về thực hiện các quy định bảo vệ môi trường, tài nguyên nước niên vụ 2022-2023.
Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thời gian giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2023. Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện và kết quả giám sát của Tổ công tác, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả với UBND tỉnh trước ngày 30 hàng tháng (từ tháng 9/2022 đến hết tháng 5/2023).
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp đánh giá số liệu về diện tích, sản lượng và tình hình chế biến nông sản (cà phê, mía, sắn, rong riềng) trên địa bàn tỉnh. Báo cáo kết quả với UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/8 hàng năm.
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La (theo Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, đơn vị này tổ chức thực hiện Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức đầu thầu, lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La báo cáo hoạt động quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, hợp đồng, chứng từ theo quy định gửi về Sở TN&MT theo quy định.
Sở Công thương chủ trì, thực hiện thẩm định, trình UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp, thành lập và lựa chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ thành phố Sơn La và cụm công nghiệp Tông Cọ huyện Thuận Châu.
Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Mai Sơn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đi vào vận hành chính thức Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung KCN Mai Sơn, để tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến sâu cà phê và chế biến phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê... gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Các Sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác thực hiện giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước
UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở chế biến nông sản hộ gia đình, hộ kinh doanh quy mô nhỏ thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, UBND huyện Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La rà soát, lập danh sách số lượng các cơ sở, hộ kinh doanh dự kiến tiến hành chế biến nông sản niên vụ 2022- 2023; tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất, chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt chuẩn.
Yêu cầu các cơ sở phải đăng ký quy mô, công suất hoạt động chế biến trong niên vụ 2022-2023 với UBND cấp xã, quá trình hoạt động phải thực hiện đúng quy mô, công suất, vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định. Các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ phải tiến hành lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) và truyền dữ liệu hình ảnh về cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường để thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường.
Tổ chức rà soát, dự báo, đánh giá sản lượng nông sản (đặc biệt là cà phê, tinh bột sắn, mía đường,...) và lập danh sách số lượng các cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh dự kiến sẽ tiến hành hoạt động chế biến nông sản trong niên vụ 2022- 2023.
Đối với các cơ sở dự kiến sẽ tiến hành hoạt động, tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá các điều kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn, khí thải,...), công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước (thống kê theo biểu số 01 kèm theo).
Yêu cầu các cơ sở phải đăng ký quy mô, công suất hoạt động chế biến trong niên vụ 2022-2023 với UBND cấp xã, quá trình hoạt động phải thực hiện đúng quy mô, công suất và vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định, trường hợp vượt quy mô công suất hoặc gây ô nhiễm môi trường thì dừng hoạt động sản xuất, xử lý theo đúng quy định
Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung, với công suất 51.600 tấn/năm, chiếm khoảng 31% sản lượng cà phê trên toàn tỉnh; 96 cơ sở nhỏ lẻ đang hoạt động (Mai Sơn 86 cơ sở, Thuận Châu 6 cơ sở, Sốp Cộp 4 cơ sở); 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy chế biến mía đường, 1 nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La và trên 1.000 cơ sở sơ chế nông sản
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Sơn La, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Từ niên vụ 2020-2021, yêu cầu tất cả các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung thực hiện lắp đặt camera hệ thống xử lý nước thải, đến niên vụ 2021-2022, các đơn vị đã lắp đặt đầy đủ camera theo các vị trí yêu cầu và cài đặt phần mềm xem camera trên máy tính của Sở.
Giám sát hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở chế biến nông sản là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ảnh: NN
Đồng thời, Sở TN&MT đã đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật, không phân biệt không gian và thời gian giám sát, sẵn sàng kiểm tra, lấy mẫu đối chứng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, từ đó góp phần thực hiện tốt công tác môi trường trên địa bàn.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt, trong đó có giải pháp lắp đặt camera giám sát hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản quy mô tập trung, cùng với phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đang được hoàn thiện, đưa toàn bộ các cơ sở sơ chế, chế biến vào hoạt động tại các khu và cụm công nghiệp..., là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Lê Minh
Bình luận