Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 01:01
Thứ bảy, 07/05/2022 14:05
TMO - Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 258 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22% kế hoạch.
Hiện nay, nông sản là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau, gồm: nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhóm sản phẩm tiềm năng và nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương. Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh đang có 4 sản phẩm chính: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tại tỉnh
Kể từ đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tạo ra hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đã chính thức có hiệu lực. RCEP được kỳ vọng tạo ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho Việt Nam.
Đối với Đắk Nông, Hiệp định này cũng mang lại nhiều cơ hội lớn cho hoạt động xuất, nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội từ RCEP để xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi đối với mặt hàng chanh leo và sầu riêng.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng chanh leo, sầu riêng
Riêng thị trường các nước thành viên trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu hiện chỉ mới chiếm khoảng gần 2% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Trong đó, các sản phẩm của nhóm chủ yếu xuất khẩu qua các nước như Pháp, Đức, Italia. Vì vậy thị trường này còn dư địa rất lớn để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông. Trong đó, các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp được tỉnh xây dựng phù hợp với các cam kết quốc tế. Tỉnh cũng chuẩn bị những giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ đối với những ngành hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi RCEP.
Đắk Nông sẽ tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết…, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định RCEP sẽ được tỉnh đẩy mạnh. Từ đó, tỉnh thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội, lợi thế đầu tư, xuất khẩu của tỉnh.
Các doanh nghiệp chú trọng thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương. Đồng thời, chủ động các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như: tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kê khai vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại… Qua đó nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu.
Thúy Hằng
Bình luận