Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/07/2025 17:07
Thứ tư, 09/07/2025 06:07
TMO - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ và thực tiễn hơn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả quản lý. Việc sửa đổi, bổ sung quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ khi triển khai chính quyền 2 cấp.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trước đó, Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 5 sao (OCOP cấp quốc gia).
Tuy nhiên, trong bối cảnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay gồm 2 cấp (tỉnh và xã), một số quy định trong Bộ tiêu chí OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg đã không còn phù hợp. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg để phù hợp mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương.
Đáng chú ý, Quyết định số 1489/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chuyển nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh để tạo sự ổn định và tránh xáo trộn trong quá trình thực hiện. Theo quy định mới, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp: Cấp tỉnh và cấp trung ương.
Về trình tự đánh giá, phân phân hạng sản phẩm OCOP như sau: Ủy ban nhân dân xã, phường (UBND cấp xã) sẽ tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí sau: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương; căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá, sau đó ban hành Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên;
Sau đó, tiếp nhận, kiểm tra thể thức hồ sơ do các chủ thể đăng ký và có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh đánh giá, phân hạng các sản phẩm trên địa bàn xã
Đối với công tác đánh giá tại cấp tỉnh: Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng cấp tỉnh) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng (trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm chủ tịch Hội đồng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP). Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do UBND cấp xã đề xuất.
Dây chuyền đóng gói sản phẩm thịt chua của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. ( Ảnh: VS).
Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao và công bố kết quả. Trường hợp kết quả đánh giá là hồ sơ không hợp lệ theo quy định, hoặc không đạt 3 sao trở lên, UBND cấp tỉnh gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp xã để hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm.
UBND cấp tỉnh chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Về công tác đánh giá ở cấp trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương (Hội đồng cấp trung ương) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do UBND cấp tỉnh đề xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả. Trường hợp kết quả đánh giá không đạt 5 sao, Hội đồng cấp trung ương gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp tỉnh:
Đối với sản phẩm đánh giá không đạt 90 điểm, nhưng trên 70 điểm, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương để ban hành quyết định công nhận đạt 4 sao, cấp Giấy chứng nhận đạt 4 sao hoặc tổ chức đánh giá và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp. Đối với sản phẩm được Hội đồng Trung ương đánh giá hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là bước đi cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chất lượng chương trình. Qua đó, các sản phẩm OCOP sẽ được phân hạng đúng thực chất, phản ánh đúng giá trị và tiềm năng phát triển. Đồng thời, tạo động lực để các địa phương, chủ thể sản xuất không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thuỳ Duyên
Bình luận