Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 10:01
Thứ năm, 04/07/2024 13:07
TMO - Quá trình sản xuất nông nghiệp tạo ra nguồn phế, phụ phẩm chất hữu cơ rất lớn. Nếu được tận dụng sẽ đem lại giá trị không nhỏ, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tại Ninh Bình đã và đang duy trì nhiều cách làm hay tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.
Ở nước ta, phụ phẩm nông nghiệp được đánh giá là nguồn tài nguyên tái tạo phong phú, giàu tiềm năng. Nếu làm tốt việc chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm giá trị khác có thể góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và nông dân.
Việc sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, góp phần hạn chế sử dụng các loại vật tư nông nghiệp và tạo ra nông sản chất lượng, sạch. Đối với cây lúa, cây hoa màu phụ phẩm là rơm, rạ gốc, rễ cây được dùng làm thức ăn chăn nuôi, chất độn chuồng, chất đốt, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm hoặc được kết hợp xử lý để làm phân bón, phủ mặt luống giữ ẩm cho đất.
Gốc cây ngô, rơm rạ được làm thức ăn chăn nuôi sau khi ủ lên men.
Trước kia, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hoa màu người dân thường đốt rơm rạ, gốc cây gây ra ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn phân hữu cơ. Nhận thấy nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng triệt để, anh Trần Khánh Huy, thôn Thạch La, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã tiến hành ủ lên men làm thức ăn chăn nuôi bò.
Chia sẻ về tác dụng của việc ủ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, anh Huy cho biết, nhờ áp dụng mô hình này mà gia đình tôi ít tốn nhân công hơn, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi như ngày trước, bò sau khi ăn cũng khoẻ mạnh, tăng cân nhanh hơn và chất thải không có mùi khó chịu như cho ăn cám thông thường.
Cũng theo anh Huy thì với mô hình này, mỗi lần anh ủ từ 20-25 tấn thức ăn và chỉ trong vòng 21 ngày đã cho thành phẩm. Khi bảo quản tốt, có thể sử dụng trong vòng 3 - 6 tháng, làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông. Hiện số lượng đàn bò của gia đình là 20 con, sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi năm cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Việc lên men phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi đã tạo ra nhiều lợi ích.
Để tiếp tục phát triển tiềm năng của việc khai thác phụ phẩm nông nghiệp, thời gian tới sẽ cần thêm sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động làm sao để giúp người sản xuất nhận thức rõ xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp xanh trong bối cảnh hiện nay.
Minh Anh
Bình luận