Hotline: 0941068156
Thứ năm, 29/05/2025 14:05
Thứ tư, 28/05/2025 06:05
TMO - Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa, các địa phương ở tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với người dân nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, ổn định sản xuất và đảm bảo an toàn dịch tễ.
Tính đến hết tháng 2/2025, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh Sơn La ước đạt 106.840 con, giảm 1,95% (giảm 2.127 con) so với cùng kỳ năm trước do đàn trâu phát triển chậm, hiệu quả kinh tế không cao so với một số vật nuôi khác, nhu cầu sử dụng làm sức kéo giảm và diện tích chăn thả bị thu hẹp.
Đàn Bò ước đạt 390.985 con, bằng 99,65% so với cùng kỳ; đàn bò sữa ước đạt 27.950 con, tăng 0,90% so với cùng kỳ. Đàn Lợn (không bao gồm lợn con chưa tách mẹ) ước đạt 601.020 con, tăng 6,17% (tăng 34.920 con), đàn lợn tăng do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn con giống được chủ động, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định,
Đàn gia cầm ước đạt 8.079 nghìn con, tăng 2,07% (tăng 164 nghìn con), trong đó: đàn gà ước đạt 6.715 nghìn con, tăng 2,96% (tăng 193 nghìn con); tổng đàn gia cầm tiếp tục phát triển ổn định do dễ nuôi, sinh sản nhanh công tác tiêm phòng được quan tâm nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, nhu cầu tiêu dùng tăng.
Trước tình trạng thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều khiến nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng, nhằm bảo vệ đàn vật nuôi an toàn, chính quyền tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch bệnh. Đơn cử, tại huyện Sông Mã, các cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tích cực đến xã Chiềng Cang hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách chăm sóc, phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Theo chia sẻ của người dân thuộc bản Chiềng Cang, cho biết, gia đình nuôi 70 con lợn thịt, 20 con lợn nái. Được cán bộ huyện, xã hướng dẫn, gia đình đã đầu tư đầu tư hệ thống nước uống cho đàn lợn, vệ sinh chuồng trại 2 lần/ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, thông thoáng vào mùa hè.
Bên cạnh đó, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng và môi trường xung quanh. Nhờ đó, mỗi năm xuất bán 7 tấn thịt lợn hơi, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Tại bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, một hộ dân khác nuôi 4.000 con gà đẻ trứng, lắp đặt hệ thống làm mát bằng quạt hút gió và giàn phun nước tự động, trần cách ly chống nóng; chủ động cung cấp đủ nước sạch cho gà uống cả ngày.
Gia đình sử dụng nền đệm lót sinh học để xử lý phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng sạch sẽ, thông thoáng. Nhờ đó, đàn gà của gia đình phát triển tốt, mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên 3.000 quả trứng. Tại xã Mường Hung, có hơn 12.000 con gia súc, hơn 62.000 con gia cầm.
UBND xã vận động nhân dân chấp hành nghiêm việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, toàn xã đạt tỷ lệ bao phủ hơn 90% các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân trồng 45 ha cỏ voi làm thức ăn cho vật nuôi.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. (Ảnh: Văn Ngọc).
Cán bộ thú y phụ trách xã Mường Hung, cho hay, thời gian trước đó, thời tiết nắng nóng, người dân được khuyến cáo tuyệt đối không được chăn thả gia súc sau 11 giờ và trước 14 giờ, để tránh gia súc bị cảm nắng. Chuồng trại phải thoáng mát, đảm bảo nước uống đầy đủ cho đàn vật nuôi. Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã, thông tin: Đến nay, toàn huyện Sông Mã có trên 91.000 con gia súc; 83.500 con lợn; hơn 1 triệu con gia cầm các loại.
Trung tâm đã phối hợp với các xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi để sớm phát hiện, khai báo tình hình dịch bệnh và có phương án chữa trị kịp thời. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng; đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tiêm 65.260 liều vắc xin lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng cho đàn đại gia súc; cấp 762 lít dung dịch khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi tại 19 xã, thị trấn.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn. Trước đó, ngay từ tháng 8/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 189/KH-UBND về Phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn năm 2025.
Việc ban hành Kế hoạch nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, tổ, bản, tiểu khu hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật; đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nội dung Kế hoạch nhấn mạnh 2 thời điểm phòng bệnh đó là khi chưa có dịch động vật và khi có dịch bệnh động vật. Bên cạnh đó đưa ra các hướng dẫn, giải pháp cũng như cách phòng tránh dịch bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiêm vắc-xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi.
Các biện pháp như tiêm phòng định kỳ, vệ sinh khử trùng chuồng trại, kiểm soát vận chuyển và tăng cường công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Sơn La góp phần nâng cao ý thức của người dân, hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đây là cơ sở quan trọng để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, góp phần giữ vững ổn định ngành chăn nuôi và đảm bảo sinh kế cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Thái Sơn
Bình luận