Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ tư, 06/12/2023 07:12
TMO - Để chủ động ứng phó với các tình huống thời tiết rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân, nhất là đối với đàn vật nuôi, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo số liệu thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn duy trì và phát triển ổn định. Đàn bò ước đạt 390.000 con, tăng 3,95%, đàn trâu ước đạt 112.000 con, đàn lợn ước đạt 638.400 con. Chủ động sớm các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi, là điều kiện để bảo vệ tổng đàn vật nuôi, nguồn thu nhập cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Để phòng chống đói rét, thiên tai dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch và phối hợp với các địa hướng dẫn người dân phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo đó, về chuồng trại chăn nuôi, cần gia cố chuồng trại cho vật nuôi trước khi vào vụ Đông Xuân để đảm bảo phòng chống rét. Đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thông báo của cơ quan chính quyền địa phương để có kế hoạch cụ thể cho đàn gia súc.
Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét cho vật nuôi. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Đồng thời, chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc để đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông-Xuân.
Các địa phương chủ động che chắn chuồng trại, bảo đảm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trước thời tiết rét đậm. Ảnh: BSL.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Thực tế từ nhiều năm trước, rét đậm, rét hại kéo dài làm nhiều gia súc bị chết, gây thiệt hại lớn. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan, chăn thả gia súc trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại; thiếu nguồn dự trữ, thức ăn thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo sức khỏe cho trâu, bò trong mùa đông. Chi cục đã phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân dự trữ nguồn thức ăn; gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại.
Đối với các hộ chăn nuôi tại các xã vùng sâu, vùng núi cao chưa có chuồng trại kiên cố, vận động nhân dân làm chuồng để đưa gia súc thả rông về nuôi nhốt; dự trữ chất đốt; tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe để chống rét và dịch bệnh. Những gia súc già yếu, con non có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình chuồng trại đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng vùng; tổ chức cho người chăn nuôi tham quan học tập và nhân rộng mô hình, từng bước hạn chế và tiến tới xóa bỏ tập quán thả rông gia súc, kém hiệu quả.
Huyện vùng cao Bắc Yên là địa phương có nền nhiệt độ thường thấp hơn các khu vực khác. Để bảo vệ đàn gia súc, đặc biệt là đàn dê và trâu, bò không bị chết rét, huyện đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc trên địa bàn. Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Toàn huyện có trên 80.800 con gia súc các loại. Từ đầu tháng 10, Phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn cho gia súc; không thả rông gia súc; gia cố, che chắn chuồng trại, ủ ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp và đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên loa truyền thanh để người dân chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình.
Với đặc thù của huyện vùng cao, thời tiết tại huyện Sốp Cộp bắt đầu lạnh, hiện tượng rét buốt kèm sương mù đã xảy ra vào sáng sớm và đêm khuya. Toàn huyện hiện có trên 31.500 con trâu, bò, ngựa; gần 4.400 con dê, hơn 19.000 con lợn. Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện kế hoạch phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các cơ quan liên quan, UBND các xã thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để hướng dẫn phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ về các xã nắm tình hình, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải, đảm bảo nền chuồng khô ráo, không bị mưa tạt, gió lùa bằng các biện pháp che chắn, kết hợp với đốt lửa khi nhiệt độ xuống thấp; chú ý đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho gia súc mới sinh và gia cầm mới nở bằng cách tạo ổ ấm hoặc chuồng úm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chăm sóc, vỗ béo đàn gia súc để tăng sức đề kháng; hướng dẫn bà con làm cây rơm, tận dụng thân lá ngô vụ hè thu, trồng cỏ, trồng cây ngô non để có đủ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Chủ động theo dõi, phát hiện sớm các bệnh đường tiêu hóa, tụ huyết trùng, bệnh lở mồm long móng... để có biện pháp phòng chống kịp thời.
Ngành chức năng các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: TT.
Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, Vân Hồ là một huyện vùng cao, với đặc thù địa hình thời tiết khí hậu lạnh nên nền nhiệt giảm thường có xu hướng đến sớm hơn các địa phương khác. Trên cơ sở phương án của UBND huyện Vân Hồ, người dân trên địa bàn đã chủ động các điều kiện để phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vân Hồ cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các xã tổ chức tập huấn, hỗ trợ người dân trong phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, rau màu vụ đông. Đồng thời, Trung tâm hướng dẫn người dân tăng cường dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông; trong đó, tập trung vào việc trồng ngô ủ ướp, thu gom thực phẩm nông nghiệp để dự trữ và che chắn chuồng trại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cho biết, để chăn nuôi phát triển ổn định, đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại do rét đậm, rét hại, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các huyện, thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống đói, rét cho gia súc từ sớm; đồng thời, tập huấn kỹ năng chăn nuôi và đẩy mạnh trồng cây lương thực, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thức ăn cho gia súc. Với những kiến thức được trang bị cùng công tác cảnh báo, dự báo thời tiết, đã giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ động trong việc phòng, chống đói, rét cho gia súc. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại vật nuôi do thiên tai gây ra và thúc đẩy phát triển đàn gia súc bền vững.
Mạnh Dũng
Bình luận