Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 01:11
Thứ bảy, 28/09/2024 06:09
TMO - Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, những năm qua, hoạt động chăn nuôi đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng đàn, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi cũng gia tăng, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi lạc hậu.
Tỉnh Sơn La có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi, với tổng số hơn 505.800 con trâu, bò; 6.500 con ngựa; 171.000 con dê; 686.240 con lợn và gần 8 triệu con gia cầm; phát triển 6.772 lồng cá các loại, sản lượng đạt trên 9.400 tấn mỗi năm. Các cơ sở chăn nuôi quy mô không ngừng phát triển, với 718 cơ sở chăn nuôi các loại.
Theo đánh giá từ Sở TN&MT, thời gian qua, các cơ sở hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư công trình bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và người dân xung quanh. Tuy nhiên, tại một số huyện, thành phố vẫn còn thông tin phản ánh qua đường dây nóng, trang mạng xã hội, ý kiến cử tri và báo chí về ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi.
Để bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động chăn nuôi đã được UBND tỉnh giao. Đề nghị Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi theo thẩm quyền quản lý thực hiện đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Ngành chức năng tỉnh giám sát công tác xử lý chất thải tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn.
Phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; hướng dẫn thực hiện áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Hướng dẫn, đôn đốc các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thực hiện việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động chăn nuôi; đánh giá, giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở trang trại quy mô lớn; kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ theo quy định.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh... nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở hoạt động chăn nuôi và người dân trên địa bàn về bảo vệ môi trường. Thực hiện trách nhiệm của UBND cấp huyện theo quy định tại Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi trên địa bàn, quản lý theo thẩm quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Yêu cầu các cơ sở chăn nuôi chỉ được phép triển khai thực hiện dự án và đi vào hoạt động khi đã hoàn thành các thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng, chăn nuôi theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền hoặc kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. UBND cấp xã kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về môi trường với hoạt động chăn nuôi. Giám sát, phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng theo thẩm quyền các hành vi xả thải gây ô nhiễm của các cơ sở chăn nuôi để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tháng 4/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Song, quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chăn nuôi, những năm qua, Sở TN&MT đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi quy mô tập trung thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
Các địa phương hướng đến mục tiêu chăn nuôi gắn với an toàn sinh học, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Cùng với Sở TN&MT, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và tập trung xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn. Qua đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trang trại, doanh nghiệp đưa công nghệ tự động hóa và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y, an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh vào quy trình chăn nuôi khép kín, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe đàn vật nuôi.
Đến nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn với các bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, bệnh cúm gia cầm H5N1, bệnh Niu-cát-xơn. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tổ chức giám sát, thẩm định, kiểm tra, đánh giá và công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh khi đủ điều kiện theo quy định; công bố danh sách cơ sở an toàn dịch bệnh được cấp; cấp lại giấy chứng nhận cho các cơ sở có giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định.
Năm 2024, tại tỉnh Sơn La đang xây dựng thêm 3 cơ sở trang trại chăn nuôi tập trung, được chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật; 1 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò cấp xã thuộc huyện Mộc Châu; 1 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại động vật cấp phường thuộc thành phố Sơn La. Phấn đấu, đến năm 2025, toàn tỉnh được công nhận 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò; 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh dại động vật.
Để phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn đạt hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống thú y và các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ về thuốc, vaccine, hoạt động giết mổ và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong chăm sóc và phát triển đàn vật nuôi, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển an toàn.
Thu Thảo
Bình luận