Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 20:11
Thứ năm, 03/10/2024 07:10
TMO - Tại tỉnh Sơn La, hoạt động sản xuất, chế biến nông sản hằng năm đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, niên vụ chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến cà phê, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy mía đường, quy mô tập trung, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố còn có một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của ngành chức năng, hằng năm đến vụ sản xuất cà phê, tình trạng ô nhiễm không khí do mùi và ô nhiễm nguồn nước do nước thải, vỏ bã cà phê đưa vào nước mặt, nước ngầm vẫn còn diễn ra. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng ô nhiễn nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn các xã: Chiềng Ban, Chiềng Mai, Mường Bon, Mường Bằng của huyện Mai Sơn.
Từ năm 2021, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Công văn số 690-CV/TU về việc tập trung quản lý đối với hoạt động sản xuất, chế biến cà phê, gắn với bảo vệ môi trường, trong đó, tập trung rà soát, quan tâm tới việc sản xuất và chế biến cà phê; di chuyển các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm vào chế biến tập trung trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp. UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tập trung phân cấp công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Sở TN&MT quản lý các cơ sở chế biến quy mô tập trung; UBND cấp huyện, xã quản lý các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình); thành lập đoàn kiểm tra, tổ công tác giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường; ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác bảo vệ môi trường; ký cam kết giữa các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong bảo vệ môi trường, nguồn nước với Chủ tịch UBND cấp xã; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Kết quả giám sát 2 niên vụ gần đây đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra, giám sát. Đã thu gom xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất theo đúng quy trình, lắp đặt hệ thống đồng hồ kiểm soát lưu lượng, hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, cài đặt, kết nối camera giám sát với các cơ quan quản lý nhà nước. Với 3 cơ sở sắn, mía đường, đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở TN&MT.
Về các cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện, đặc biệt là Mai Sơn, Thuận Châu quyết liệt tổ chức kiểm tra giám sát, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động, nhất là khoảng thời gian từ 18h đến 5h sáng hôm sau. Sở TN&MT đã định hướng cho các huyện phương án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý môi trường tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Hoạt động sản xuất, chế biến nông sản nhất là cà phê giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên, để mục tiêu phát triển kinh tế bền vững không bị ảnh hưởng thì việc kiểm soát công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động trên cần đặc biệt được chú trọng. Do vậy, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp.
Duy trì các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở có xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, chế biến nông sản chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường; tăng cường giám sát đối với các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung; nâng cao hiệu quả phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục bằng camera giám sát truyền trực tiếp về các thiết bị di động thông minh; kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm cục bộ; không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Tỉnh cần phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong sản xuất, chế biến nông sản (đặc biệt là cà phê) quy mô lớn để đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải, góp phần nâng cao chất lượng chế biến nông sản gắn với bảo vệ môi trường. Huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, các huyện thành phố và các cơ sở chế biến nông sản.
Tỉnh Sơn La duy trì các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở có xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, chế biến nông sản.
Tại các địa phương, UBND các huyện, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, các xã, phường, thị trấn triển khai công tác bảo vệ môi trường với hoạt động sơ chế, chế biến nông sản. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Duy trì, kiện toàn các Đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện để kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn quản lý.
Là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê lớn, năm 2024, Mai Sơn có trên 7.300ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt trên 100.000 tấn cà phê quả tươi. Toàn huyện có 132 cơ sở quy mô hộ gia đình thuộc 7 xã đăng ký thu mua, sơ chế cà phê niên vụ năm nay. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2024-2025, Chủ tịch UBND huyện giao Chủ tịch UBND 10 xã rà soát, cập nhật danh sách số lượng các cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh dự kiến sẽ tiến hành chế biến nông sản (cà phê, mía, dong…) niên vụ 2024-2025.
Với cơ sở dự kiến hoạt động, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, các điều kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải; công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để không gây ô nhiễm. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở đăng ký quy mô, công suất hoạt động chế biến với UBND cấp xã, quá trình hoạt động phải thực hiện đúng quy mô, công suất và vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định.
Thành lập Tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản thuộc thẩm quyền đăng ký môi trường của UBND cấp xã hoặc các cơ sở khác thuộc thẩm quyền quản lý, do đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã là Tổ trưởng. Thời gian kiểm tra, giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2025. Tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa các cơ sở với Chủ tịch UBND cấp xã. Trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động của các cơ sở, chủ cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND cấp huyện.
Còn tại huyện Thuận Châu, UBND huyện đã giao Tổ công tác của huyện tiếp tục kiểm tra, giám sát việc dừng các hoạt động thu mua, chế biến cà phê tươi tại Xưởng chế biến cà phê bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế bắt đầu từ niên vụ 2024-2025.
Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sơ chế cà phê niên vụ 2024-2025 trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi các kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến nông sản trên các trang mạng xã hội, kịp thời xác minh, xử lý thông tin. Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa chủ cơ sở với Trưởng phòng TN&MT huyện. Giao UBND các xã, thị trấn đôn đốc, yêu cầu các cơ sở phải lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, truyền dữ liệu về Phòng TN&MT để theo dõi, giám sát.../.
Minh Thu
Bình luận