Hotline: 0941068156
Thứ ba, 20/05/2025 20:05
Thứ hai, 19/05/2025 12:05
TMO - Việc chuyển đổi diện tích cây công nghiệp, cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn quả đã khai thác tốt tiềm năng của tỉnh Sơn La, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Sơn La, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Sơn La còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chưa bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp độ dốc lớn, chủ yếu canh tác cây hàng năm như ngô, sắn, lúa nương, hiệu quả kinh tế không cao; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; nguồn lực phát triển nông nghiệp còn thiếu, tiêu thụ nông sản bấp bênh...
Trước thực tế trên, tỉnh Sơn La đã chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; từ đó ban hành nhiều chủ chương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kịp thời tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn đặt ra. Trong đó nổi bật là Kết luận số 121 ngày 30/11/2015 về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020; với mục tiêu, nhiệm vụ chuyển mạnh diện tích trồng ngô, lúa nương, sắn trên đất dốc sang trồng cây ăn quả; đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Đến nay, tỉnh Sơn La đã có hơn 85.000ha cây ăn quả và cây sơn tra.
Nhờ chủ trương phù hợp với thực tiễn, Sơn La đã có hơn 85.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng 219% về diện tích so với năm 2016, sản lượng tăng 332%; đạt 81,14% so với mục tiêu năm 2025. Tỉnh Sơn La đã thực hiện chuyển đổi diện tích cây lương thực trên đất dốc, cây trồng kém hiệu quả là 33.189ha. Trong đó, chuyển đổi 1.259ha đất trồng lúa nương, 30.599ha đất trồng ngô, 716ha đất trồng sắn và 615ha đất trồng cà-phê sang trồng cây ăn quả.
Việc chuyển đổi diện tích cây công nghiệp, cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn quả đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Sơn La, mang lại chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ứng dụng các quy trình thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh đã có 8 vùng cây trồng được cấp quyết định công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao được công nhận, trong đó có 5 vùng trồng cây ăn quả na, nhãn, xoài, mận tại các huyện, đạt 200% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Năm 2016, Sơn La không có diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đến nay, Sơn La đang duy trì 218 mã số vùng trồng, gồm 202 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, 16 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 3.142ha và 8 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nhãn, xoài, mắc ca, chanh leo.
Toàn tỉnh hiện có 31 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. So với năm 2016 tăng 30 sản phẩm được cấp bảo hộ; có 59 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ quả. Từ 2016 đến nay, tỉnh Sơn La đã hình thành 335 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích 6.766ha, tăng 297 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả so với năm 2015.
Năm 2015, tại Sơn La chủ yếu sơ chế thủ công, đến năm 2025 toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 17 nhà máy và 543 cơ sở; có hơn 2.700 cơ sở sấy long nhãn, nông sản và 40 kho lạnh, góp phần kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm quả tươi khi đến thời vụ thu hoạch trong thời gian ngắn.
Tỉnh Sơn La đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ĐT.
Để ngành cây ăn quả phát triển ổn định, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh xác định mục tiêu chuyển từ xây dựng chuỗi cung ứng sang phát triển chuỗi quả giá trị ngành hàng. Các tác nhân trong chuỗi được gắn kết chặt chẽ theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm và chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp. Mô hình liên kết “6 nhà” (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - nhà khoa học - nhà phân phối) tiếp tục được củng cố, trong đó nòng cốt là liên kết nhà nông - doanh nghiệp.
Xây dựng, phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản theo mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu chuẩn chất lượng vùng nguyên liệu. Đồng thời nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích chọn tạo, khảo nghiệm, phục tráng giống, chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp với từng vùng sinh thái.
Bên cạnh đó, Sơn La ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các loại quả có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, từng bước hình thành các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ như kho, bến, bãi, nhà máy chế biến, trạm, trại giống… tạo sự kết nối đồng bộ giữa vùng sản xuất với công nghiệp chế biến, logistics và thị trường tiêu thụ.
Nhiều ý kiến cho rằng, Sơn La có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây ăn quả đặc sản nhờ sự đa dạng về tiểu vùng sinh thái, khí hậu phân hóa rõ rệt và nguồn gen bản địa quý hiếm hoặc được trồng từ rất lâu như chuối tây, xoài tròn Yên Châu, nhãn Sông Mã, mận tam hoa Mộc Châu… Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng vùng trồng gắn với bản sắc vùng miền và giá trị kinh tế cao.
Để phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa bền vững, Sơn La cần phát triển vùng sản xuất tập trung theo nhóm cây trồng chủ lực của từng địa bàn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả khai thác mã số vùng trồng để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Chú trọng nâng cao năng lực cho các đơn vị sản xuất giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nguồn cây giống chất lượng cao, sạch bệnh, chủ động phục vụ việc mở rộng diện tích trồng mới và thay thế diện tích cây già cỗi, năng suất thấp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, bao gồm từ thâm canh, quản lý mã số vùng trồng, giám sát sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đến khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm và thương mại điện tử. Tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Việc hình thành các chuỗi liên kết bền vững sẽ giúp bao tiêu, kiểm soát chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua xúc tiến thương mại và các nền tảng thương mại điện tử.
Sơn La cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Khoa học công nghệ cần được đưa vào xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị, từ giống, kỹ thuật trồng trọt đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và thương mại. Đồng thời, cần thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp sâu rộng trong từng công đoạn như làm đất, canh tác, chăm sóc, bón phân, thu hái... nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.../.
Thu Hiền
Bình luận