Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ sáu, 11/07/2025 09:07
TMO - Trước tình trạng mưa lũ kéo dài gây sạt lở hơn 1.000 vị trí trên 7 tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông, tỉnh Sơn La đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để kịp thời ứng phó.
Theo Sở Xây dựng Sơn La, từ đầu tháng 7 đến nay, mưa lũ đã gây sạt lở taluy dương, taluy âm; lấp rãnh dọc, trồi lún nền mặt đường; xuất hiện cung trượt lớn tại nhiều điểm, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ách tắc cục bộ giao thông một số tuyến và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Sơn La.
Cụ thể, mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh tại hơn 1.000 vị trí trên 7 tuyến quốc lộ, với khối lượng sạt sụt hơn 33.000m3 đất đá. Hệ thống đường tỉnh lộ cũng ghi nhận thiệt hại tại 944 vị trí trên 16 tuyến, khối lượng sạt lở khoảng 60.000m3. Ngoài ra, các tuyến giao thông nông thôn cũng bị ảnh hưởng với trên 24.000m3 đất đá sạt xuống nền mặt đường. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh ước khoảng gần 25 tỷ đồng.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Sơn La bị sạt lở nghiêm trọng.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, sa bồi gây ách tắc giao thông, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ cử cán bộ giám sát đến hiện trường xác minh khối lượng thiệt hại. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu bố trí vật tư, máy móc, nhân công để khắc phục ngay các vị trí sụt lở taluy dương gây tắc đường; xử lý một số vị trí sạt lở taluy âm nguy hiểm để bảo đảm giao thông thông suốt, không để ách tắc kéo dài.
Do đó, tỉnh Sơn La vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để kịp thời ứng phó với thiệt hại do mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng, hư hỏng nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 7 đến nay.
Nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Xây dựng phương án xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp khi xảy ra sự cố thiên tai; Duy trì cảnh báo, lập chốt trực tại các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; Đồng thời, tổng hợp, kiểm tra đánh giá, đề xuất biện pháp ứng phó, tham mưu ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định…/.
Thế Nam
Bình luận