Hotline: 0941068156
Thứ hai, 31/03/2025 19:03
Thứ tư, 26/03/2025 15:03
TMO - Tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La mở rộng vùng trồng cây ngô sinh khối, góp phần đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc.
Ngô sinh khối là loại ngô được thu hoạch cả cây (thân, lá, bắp) ở giai đoạn hạt ngô vừa đông sữa chuyển sang chín sáp, dùng để làm thức ăn cho gia súc. Thay vì mỗi vụ ngô lấy hạt kéo dài 90 - 120 ngày, thì với loại ngô sinh khối chỉ mất khoảng 75 - 90 ngày kể từ khi hạt nảy mầm.
Xây dựng vùng trồng cây ngô sinh khối, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững được huyện Mộc Châu đẩy mạnh triển khai. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 25.000 con bò sữa, bình quân một con bò sữa cần khoảng 30 kg ngô ủ/ngày, nhu cầu ngô sinh khối khoảng 200.000 tấn/năm.
Năm 2023, tổng diện tích trồng ngô của huyện Mộc Châu trên 10.200 ha, trong đó diện tích trồng cây ngô sinh khối hơn 1.800 ha, tập trung ở những vùng thuận lợi về địa hình và đường xe vận chuyển, như: Thị trấn Nông Trường Mộc Châu và các xã Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, Phiêng Luông, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa; tổng sản lượng ngô sinh khối đạt trên 67 nghìn tấn.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La mở rộng vùng trồng cây ngô sinh khối, đảm bảo guồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc. Ảnh: HH.
Từ đầu năm 2023, huyện Mộc Châu đã triển khai mô hình trồng ngô sinh khối ở bản Nà Sánh và Nà Mường, xã Tân Hợp, với 47 hộ tham gia, diện tích trồng gần 35 ha. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ gần 80 triệu đồng; Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hỗ trợ 207 tấn phân, Công ty cổ phần ngô sinh khối Việt Nam ứng trước giống, vật tư, hỗ trợ nhân công và máy bay phun phòng trừ sâu keo mùa thu, mô hình bước đầu cho tín hiệu rất khả quan.
Qua mô hình trồng thử nghiệm cho thấy cây ngô sinh khối có thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 85-90 ngày), một năm có thể trồng 2 vụ; ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh, mật độ cây trồng dày hơn, trung bình 1 ha ngô sinh khối cho thu hoạch khoảng 23 tấn, với giá bán bình quân 1.950 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân thu lợi khoảng 18 triệu đồng/ha, cao hơn 6 triệu đồng/ha so với trồng ngô lấy hạt.
Với những hiệu quả trên, địa phương này đẩy mạnh phát triển diện tích trồng ngô sinh khối, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, rà soát và triển khai quy hoạch vùng trồng ngô sinh khối khoảng 3.500 ha, với khoảng 7.000 hộ tham gia; trong đó, tập trung mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối tại các xã ven hồ sông Đà có diện tích đất dốc kém hiệu quả, khó canh tác và cơ giới hóa; tiếp tục làm việc với các công ty triển khai chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối.
Thu hoạch ngô sinh khối tại Thị trấn Nông Trường Mộc Châu.
Năm 2025, huyện Vân Hồ dự kiến trồng 1.200 ha ngô sinh khối, tập trung chủ yếu ở các xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa, Song Khủa, Liên Hòa, Lóng Luông…Theo các hộ dân tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, từ khi trồng ngô sinh khối, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và các loại cây rau màu khác. Vào vụ thu hoạch, đại lý của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đến thu mua tận nương theo hợp đồng liên kết tiêu thụ, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Tai trang trại nuôi bò ông Hoàng Văn Cường, tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi cho 20 con bò và chất lượng sữa theo tiêu chuẩn, gia đình ông trồng 1,5 ha lúa mạch và ngô sinh khối để chế biến thức ăn ủ ướp. Trước kia nguồn thức ăn này là từ cỏ voi và ngô hạt để nuôi bò sữa, vào mùa đông phải mua thêm cám và thức ăn ủ chua rất tốn kém. Từ năm 2023, gia đình chuyển sang trồng ngô sinh khối, mỗi năm trồng 2 vụ, tổng sản lượng đạt trên 120 tấn, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Vân Hồ là một trong những địa phương có số lượng đàn gia súc lớn nhất tỉnh, với hơn 40.600 con trâu, bò; trong đó, có gần 2.000 con bò sữa. Đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc, nhất là đàn bò sữa, Phòng Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển vùng trồng ngô sinh khối gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, khảo sát các khu vực thuận lợi, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi đất ruộng trồng lúa 1 vụ sang trồng ngô sinh khối, gia tăng giá trị sử dụng đất.
Những năm gần đây, huyện Phù Yên đã vận động bà con nhân dân trồng giống ngô này vừa để phục vụ chăn nuôi, vừa có thể bán để tăng thu nhập. Huyện Phù Yên có tổng đàn trâu khoảng 14.800 con, đàn bò đạt hơn 37.200 con. Để bảo đảm tăng trưởng của ngành chăn nuôi, cùng với việc trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn xanh, ngô sinh khối được huyện xác định là cây trồng quan trọng.
Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô lấy hạt truyền thống do có thời gian thu hoạch ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh, rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, nên đạt năng suất cao. Bên cạnh đó, toàn bộ sản lượng ngô sinh khối của người dân đều có đầu ra ổn định, được thương lái thu mua để bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa.../.
Lê Trung
Bình luận