Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ sáu, 01/03/2024 10:03
TMO - Trong tháng 3 này, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sẽ phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức Lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam đối với các cây cổ thụ trên địa bàn.
Theo đề xuất của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, nhiều cây cổ thụ tại các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lai Châu, Bình Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Phú Thọ...vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận Cây Di sản.
Lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam đối với cây đa cổ thụ tại Miếu xóm Ngò, thôn Đồng Xá Bắc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương ngày 18/2 vừa qua.
Nhằm ghi nhận những đóng góp của địa phương trong công tác bảo tồn cây cổ thụ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam sẽ phối hợp các địa phương tổ chức Lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam.
Đơn cử, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Lễ công bố và gắn biển Cây Di sản Việt Nam sẽ được địa phương tổ chức vào ngày mai 2/3), tại Lạng Sơn (2/3), tại Lai Châu (4/3), Bình Dương (8/3), Nam Định, Vĩnh Phúc (10/3), Quảng Ninh (12/3), Phú Thọ (18/3), Hà Nội (23/3), Cần Thơ (31/3), Đồng Nai (14/4),…
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam luôn giữ vững vai trò nòng cốt của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” là sáng kiến quan trọng và trực tiếp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây cũng là sự kiện tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống người dân và mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cây đa và cây thị Di sản trên 500 năm tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2016.
Sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động ngày 18/3/2010 nhân năm mở đầu Thập kỷ Đa dạng Sinh học do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Mỗi cây hoặc cụm cây khi được công nhận là Cây Di sản, VACNE sẽ phối hợp tổ chức lễ vinh danh và gắn bia “Cây Di sản Việt Nam”. Trên cả nước hiện có hơn 7.000 Cây Di sản Việt Nam thuộc 135 loài, phân bổ trên 55 tỉnh, thành phố từ địa đầu Hà Giang đến cực Nam mũi Cà Mau, từ núi cao Trường Sơn ra hải đảo (đặc biệt tại quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa).
04 cây (mù u, bàng vuông, phong ba) ở đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh hòa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2020.
Việc tổ chức xét duyệt, vinh danh, gắn bia công nhận Cây Di sản Việt Nam góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, sự kiện này làm cho cộng đồng biết tri ân các bậc tiền nhân đã dày công bảo vệ, chăm sóc các cây cổ thụ. Sự kiện đã lan tỏa rộng khắp về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường trong các cộng đồng dân cư ở nông thôn và thành thị, có tác dụng giáo dục lịch sử, bảo vệ chủ quyền quốc gia khi vinh danh những cây đứng ở cột mốc biên giới, vùng biển đảo.
Phương Thúy
Bình luận