Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 21:04
Thứ năm, 10/04/2025 13:04
TMO - Nhằm đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế ổn định gắn với bảo vệ môi trường hiệu quả, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Sóc Trăng, đến hết năm 2024 diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 74.000 ha. Trong đó, tôm nước lợ là 50.820 ha. Sản lượng thủy sản nuôi cả năm đạt 310.000 tấn, trong đó tôm nước lợ chiếm 212.000 tấn.
Với diện tích nuôi thủy sản thâm canh/bán thâm canh trên 90%, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có quy mô nuôi nhỏ, hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm còn nhiều hạn chế… dễ gây ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết, tính riêng nghề nuôi tôm nước lợ, khối lượng chất thải trong hoạt động nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tương đối lớn với khoảng 4,81 - 6,93 triệu m³/năm đối với bùn thải và khoảng 433,2 - 563,1 triệu m³ nước thải.
Trước thực tế này, các địa phương thuộc vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh đã tích cực phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, kỹ năng kiểm soát các yếu tố môi trường và quản lý chất lượng nước nuôi trồng thủy sản; khuyến khích hộ nuôi mạnh dạn đầu tư, thực hiện các mô hình tuần hoàn trong hoạt động nuôi thủy sản. Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường…
Các hộ nuôi đã chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm trong ao đất sang ao lót bạt.
Trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên hiện có khoảng 400 hộ nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh. Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện khuyến cáo nên áp dụng mô hình tuần hoàn, sử dụng lại nước để giảm lượng nước thải thải ra môi trường bên ngoài. Đối với những hộ có diện tích lớn, có thể tận dụng diện tích này để kết hợp thả nuôi thêm các loại cá, tận dụng chất thải từ ao nuôi tôm để nuôi cá. Đối với những hộ có diện tích nhỏ nên áp dụng mô hình nuôi tuần hoàn, làm hầm ủ biogas để xử lý nước thải, chất thải, hoặc sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn để tái sử dụng lại nguồn nước, hạn chế xả thải ra môi trường bên ngoài.
Theo đó, các hộ nuôi trồng đã chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm trong ao đất sang ao lót bạt để kiểm soát chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, các hộ này còn áp dụng đồng thời quy trình lọc nước tuần hoàn: Nguồn nước trong ao nuôi tôm thay vì xả thải trực tiếp ra môi trường, sẽ được đưa về hệ thống lọc nước đã được bố trí sẵn (bao gồm 3 bể lọc). Phân tôm và chất lợt cợn sẽ được loại bỏ thông qua giá thể lọc (với vật liệu chính là lưới đánh bắt cá). Qua các bước, nguồn nước sau xử lý sẽ được cấp trở lại ao nuôi với chất lượng đảm bảo.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết, để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của ngành nuôi trồng thủy sản đến môi trường, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cộng đồng nuôi trồng thủy sản trong việc áp dụng các giải pháp: Thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của từng vùng. Thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng nước, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất và các chất bổ sung khác trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời tăng cường xử lý chất thải và tái sử dụng nước.
Đồng thời, ứng dụng các công nghệ nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước, giảm ô nhiễm, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, phân bón và hóa chất; ưu tiên sử dụng các loài thủy sản bản địa, có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về nuôi trồng thủy sản bền vững.
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được 20 mô hình nuôi tôm theo quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, thông qua liên kết kiểm soát đáp ứng quy phạm thực hành VietGAP, gồm 06 mô hình nuôi tôm sú và 14 mô hình tôm thẻ chân trắng tại các địa bàn thuộc vùng nuôi trọng điểm của tỉnh. Nhờ làm tốt công tác quan trắc môi trường nên trong năm không phát hiện trường hợp các yếu tố môi trường vượt quá mức cho phép nguy hiểm đến thủy sản, cũng như không phát hiện ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Công tác cảnh báo dịch bệnh được thông tin liên tục, kịp thời nên tình hình dịch bệnh trên tôm được kiểm soát tốt, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tiếp tục được khống chế dưới hai con số.
Công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Trong năm 2024, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các địa phương xây dựng 28 điểm ở 5 huyện thuộc vùng nuôi tôm để thực hiện công tác quan trắc môi trường. Cụ thể, ở vụ tôm năm 2024, đơn vị bắt đầu thực hiện từ tháng 01 với tần suất 2 tuần 1 lần. Tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng kéo dài, từ tháng 3, tháng 4 và tháng 5 thực hiện lấy mẫu để đo các yếu tố môi trường 1 tuần 1 lần.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng khuyến cáo đối với các vùng nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi và cụ thể là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian mà thời tiết khắc nghiệt như dự báo: tháng 3 thời tiết nắng nóng, độ mặn cao và tháng 6 - 7 thời tiết mưa dầm.
Đối với các trang trại, doanh nghiệp nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu điều kiện nuôi, các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, ao nuôi lót bạt, quy trình nuôi 02 giai đoạn, có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần phải chủ động trữ nước, xử lý nước, có giải pháp ứng phó kịp thời khi có thời tiết bất lợi xảy ra và đảm bảo tốt công tác xả thải để góp phần bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung; đánh giá, tính toán chỉ số chất lượng nước cho vùng nuôi thủy sản lợ và mặn, giúp người nuôi tránh được rủi ro thiệt hại do tác động từ các cống cung cấp nước phục vụ nuôi tôm như: Cống Xà Mách, cống Tầm Vu, cống Sáu Quế 1, có độ mặn từ 6 - 14‰. Độ mặn ngoài tự nhiên dao động cao tùy theo con nước, nên việc thực hiện công tác quan trắc môi trường sẽ giúp hộ nuôi xác định được chính xác thời điểm thích hợp để kịp lấy nước vào ao, cũng như nắm rõ các loại dịch bệnh đang xuất hiện tại ao nuôi, vùng nuôi, từ đó chủ động biện pháp phòng ngừa hiệu quả./.
Trần Hiền
Bình luận